Ân nghĩa Tuyên Quang
Nhiều người biết đến họa sĩ Trần Công Dũng là con trai của nhạc sĩ tài hoa Trần Công Khanh. Anh Dũng rất tự hào về người cha hiền lành, tài năng và yêu thương vợ con hết mực. Trần Công Dũng chia sẻ, bố anh nổi tiếng với nhiều ca khúc, trong đó có ca khúc “Đêm trăng sông Lô”. Không những thế, ông còn là một người đam mê hội họa thực thụ. Tranh ông vẽ thường là về phong cảnh con người Tuyên Quang. Từ bé, những hình ảnh ấy cứ thôi thúc, ám ảnh, khơi gợi năng khiếu hội họa bẩm sinh trong anh.
Với họa sĩ Trần Công Dũng, quê hương Tuyên Quang như máu thịt của mình. Nơi đó anh cất tiếng khóc chào đời, nơi đó anh có những người hàng xóm thân thiện, tốt bụng, những người bạn học thân thiết. Anh nhớ mãi thời điểm khó khăn nhất khi cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, anh phải theo mẹ đi gánh nước ở xa. Có những hôm đến bữa đói lả, nhà không còn gạo thì bà con xóm làng lại mỗi người một ít sẻ chia, nhường nhịn cho nhau. “Con người ở đấy sống vì cái tình, cái nghĩa lắm!”, họa sĩ Trần Công Dũng xúc động nhớ lại.
Năm 1985, Trần Công Dũng đỗ vào Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương. Sau khi tốt nghiệp, anh trở về Tuyên Quang mở một cửa hàng kiếm sống bằng nghề vẽ quảng cáo, vẽ tranh truyền thần…
Thời gian này, cuộc sống mưu sinh vất vả, họa sĩ trẻ Trần Công Dũng thường gửi gắm xúc cảm, những nỗi khó khăn qua dòng tranh bột màu. Anh bảo, thời điểm đó vất vả lắm! Cả ngày tất bật làm lụng, đêm khuya rảnh rỗi một tý là lại đắm chìm vào những sáng tác, cân bằng tâm hồn bằng toan vẽ và gam màu thân thuộc.
Năm 1988, cả gia đình anh chuyển về Thái Bình sinh sống. Lúc đó anh đã hơn 20 tuổi thế nhưng phải đến nhiều năm sau, anh mới cân bằng được cảm xúc. Anh bảo: “Rời thị xã Tuyên Quang, tôi như mất mát một cái gì to tát lắm. Thế nhưng cuộc sống buộc chúng ta phải tiến về phía trước. Sau đó tôi quyết tâm thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam rồi ở lại Hà Nội lập nghiệp. Cho đến bây giờ, chưa khi nào tôi nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương Tuyên Quang thân yêu”.
“Dũng dị” - những lối đi khác biệt
Bắt đầu ghi dấu ấn bởi dòng tranh sơn khắc về xe đạp, Trần Công Dũng dần dần trở nên quen thuộc với công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam bởi các tác phẩm thể hiện sự vật, hiện tượng bình dị trong cuộc sống thông qua lăng kính tư duy vừa sắc sảo lại vừa dí dỏm, hài hước và ngôn ngữ tạo hình độc đáo, mới lạ. Các sáng tác của anh trải rộng trên nhiều loại hình và chất liệu như: sơn mài, khắc gỗ, điêu khắc, gốm… Ở chất liệu nào, Trần Công Dũng cũng thể hiện sức sáng tạo không giới hạn của một nghệ sĩ đa tài.
Ban đầu anh “khởi nghiệp” với dòng tranh khắc gỗ. Trước đây, tranh khắc gỗ được khách du lịch nước ngoài rất ưa chuộng. Tranh của anh vào thời điểm hưng thịnh có mặt trên chục gallery khắp Hà Nội. Các tác phẩm nổi tiếng như: Mốt, Hưng phấn, Bình minh, Gió thổi, Thịnh vượng…
Từ phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh khắc những loại tranh kích thước nhỏ, bán với giá từ 20 - 30 USD rồi lấy nguồn đó nuôi ý tưởng và những đam mê lớn lao hơn. Sau đó, anh chuyển sang dòng tranh sơn mài và nhanh chóng thể hiện được tài năng ở dòng tranh “khó chiều” này.
Hiện nay, họa sĩ Trần Công Dũng đang có xưởng vẽ tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín (Hà Nội). Nơi đây không chỉ người dân địa phương miệt mài gìn giữ tinh hoa nghề mà rất nhiều họa sĩ được đào tạo bài bản đã tụ hội, đóng góp vào câu chuyện sáng tạo, bảo tồn làng nghề.
Dũng "dị" là biệt danh bạn bè trong giới gọi anh. Biệt danh khá phù hợp với anh, bởi những tác phẩm anh vẽ hoặc thiết kế mỹ thuật rất khác biệt, mới lạ. Ví dụ, những cánh cửa gỗ truyền thống bạc màu thời gian đong đầy ký ức được Trần Công Dũng vẽ mải miết, đằm sâu, suốt ngày này qua tháng nọ. Hình ảnh những chiếc xe đạp cũ oằn mình mưu sinh như những người chủ của nó cũng được anh khắc họa có hồn, sinh động, đong đầy xúc cảm. Anh chia sẻ: “Với tôi, những hình ảnh ấy là miền ký ức êm đềm, thật đẹp của tháng năm gian khó nhưng đong đầy nghĩa tình ở xứ Tuyên. Những con người, khung cảnh, vật dụng xưa cũ ấy đều được lưu giữ trong tôi và thể hiện vào tác phẩm một cách tự nhiên”.
Anh chia sẻ, trong lĩnh vực sơn mài, kích thước tranh hay chất liệu không phải là điều anh quá quan trọng trong sáng tác mà là vẻ đẹp của mỗi bức tranh. Hiện nay, anh còn chuyển qua làm cả những tác phẩm có thể sử dụng trong cuộc sống như tủ, bình hoa. Anh khéo léo, uyển chuyển tỉ mần ngồi vẽ tay lên từng vật dụng nhỏ như cái gạt tàn hay chiếc vòng tay… chỉ đơn giản là tặng cho bạn bè, trao cho khách như một niềm vui. Khát khao của anh là muốn đưa những chất liệu dân gian như khắc gỗ, sơn mài vào trong cuộc sống. Từ đó dần đưa nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống.
Xưởng của anh thỉnh thoảng đón khách đến “học sáng tác”, chủ yếu là người nước ngoài, họ đến học để hiểu hơn về nghề truyền thống sơn mài. Anh tận tình hướng dẫn cho khách từ khảm vỏ trứng và các vật liệu khác và làm ra những tác phẩm nho nhỏ ngay tại xưởng. Điều anh mong nhất là ngày càng có nhiều họa sĩ, đặc biệt là những họa sĩ trẻ tiếp tục sử dụng chất liệu truyền thống để sáng tác và cống hiến cho nghệ thuật truyền thống.