Thế nhưng, ở vùng dân tộc và miền núi, ngày này đối với chị em phụ nữ không khác ngày thường là mấy. Những ngày này, nhiều chị em phụ nữ vẫn phải gùi từng hạt bắp ngô lên nương tra hạt, nhiều chị phải cầm ô nhẫn nại che cho anh chồng say rượu chợ phiên đến nỗi quên cả lối về. Thậm chí, nhiều người phải oằn mình trước những trận đòn roi vô cớ.
Trên thực tế, trong những năm qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ DTTS. Thế nhưng, kết quả của công tác này vẫn chỉ dừng lại ở các con số khiêm tốn.
Theo kết quả điều tra kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam năm 2015 do Tổng Cục thống kê thực hiện, với gần 6,7 triệu người, phụ nữ và trẻ em gái DTTS vẫn là nhóm đối tượng yếu thế, luôn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, chịu bất bình đẳng kép cả về dân tộc và về giới xuất phát từ chính môi trường sống của mình. Hiện nay, ở vùng DTTS, người đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai và tín dụng là nữ giới chỉ chiếm 26%; tỷ lệ nữ giới trên 15 tuổi biết chữ mới đạt 73,4% (trong khi đó ở nam giới là 86,3%); hiện vẫn còn gần 60% phụ nữ DTTS từ 15-49 tuổi tin rằng, chồng có quyền đánh vợ vì bất kỳ lý do nào…
Thế mới biết rằng, hoa, quà, lời chúc hẳn vẫn là “xa xỉ” phẩm đối với phụ nữ DTTS. Điều mà người phụ nữ DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa cần hơn, chính là những quyền lợi sát sườn và chính đáng. Để làm được điều này, bên cạnh sự tự nỗ lực vươn lên của phụ nữ DTTS, Nhà nước, cộng đồng, xã hội cần tiếp tục trợ lực nhiều hơn trong công tác bình đẳng giới.
THIÊN ĐỨC