Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Hòa Bình; đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Dân tộc các huyện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Theo Báo cáo tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng cơ bản tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh tiếp tục được ổn định, đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, trên địa bàn tỉnh hiện có 145/151 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó có 59 xã khu vực III, 12 xã khu vực II, 74 xã khu vực I và 86 thôn, xóm đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II và khu vực I.
Sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc có hiệu lực thi hành đã có những tác động đến chế độ, chính sách của các đối tượng đang được thụ hưởng, tập trung chủ yếu vào các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, học sinh, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đang công tác tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020.
Ban Dân tộc đã kịp thời phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh đánh giá tác động việc phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, đề xuất với Ủy ban Dân tộc báo cáo Chính phủ về thực hiện chính sách đối với địa bàn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 nhưng đến nay không thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Nhờ hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của các Chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là các Chương trình mục tiêu quốc gia, đến hết năm 2022 có 8 xã đã thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn và được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 3,2% (từ 15,49% năm 2021 xuống còn 12,29% năm 2022.
Đối với Chương trình MTQG 1719, tổng số vốn kế hoạch năm 2023 là 813.580 triệu đồng, trong đó: Vốn đầu tư là 361.171 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 452.409 triệu đồng. Đến thời điểm báo cáo, các danh mục, dự án được giao các đơn vị đang thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư; dự kiến trong quý III/2023 các danh mục, dự án tổ chức thực hiện giai đoạn thực hiện đầu tư và giải ngân nguồn vốn theo quy định. Ước thực hiện đến ngày 31/12/2023 hoàn thành và giải ngân 100% so với kế hoạch giao, bao gồm cả nguồn kinh phí năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào vùng DTTS và miền núi trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn vẫn còn gặp phải một số khó khăn, tồn tại, như kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi còn chậm phát triển; đời sống người dân còn nhiều khó khăn, chưa thực sự bảo đảm, thiếu tính bền vững; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn vẫn cao so với khu vực khác. Một số ít cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới, chưa nhận thức sâu sắc về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; nhận thức của một bộ phận người dân chưa sâu sắc, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ và Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Thị Thảo đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào vùng DTTS và miền núi, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình chung của vùng đồng bào DTTS và miền núi so sánh tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; kết quả thực hiện Chương trình MTQG 1719; công tác tổ chức bộ máy, số lượng cán bộ Phòng Dân tộc các huyện; công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực công tác dân tộc; công tác ổn định dân cư tại các vùng có nguy cơ sạt lở cao; công tác tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác dân tộc…
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Thảo đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc, trong đó trọng tâm tập trung tổ chức triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ và kịp thời giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 bảo đảm hoàn thành kế hoạch giao.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Thảo nhấn mạnh: Đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm, đề nghị bố trí bổ sung biên chế cho Phòng Dân tộc để bảo đảm cho việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc hiện nay, đặc biệt là quan tâm sắp xếp cán bộ bảo đảm năng lực, có trình độ chuyên môn phù hợp để tham mưu thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2030.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết, các chương trình, dự án, chính sách vùng DTTS thực hiện còn chậm. Đối với cán bộ công tác dân tộc, cấp tỉnh do tỉnh bố trí, cấp huyện do huyện bố trí, do đó lãnh đạo các huyện cần bố trí đủ nhân sự cho Phòng Dân tộc để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đối với những khó khăn, vướng mắc, các sở, ban, ngành cần liệt kê cụ thể, đầy đủ, báo cáo các cấp thẩm quyền tháo gỡ kịp thời. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho người dân nắm được các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc...
“Đặc biệt, cần đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Công tác phối hợp cần thực hiện nhịp nhàng, phối hợp cùng Ban Dân tộc hoàn thành các nhiệm vụ được giao, bảo đảm thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án nhằm góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh.