Hỗ trợ để đồng bào "an cư lạc nghiệp"
Hòa Bình là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, độ dốc lớn, do đó thường xuyên xảy ra mưa đá, dông lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở…gây thiệt hại đến sản xuất, tính mạng và đời sống của Nhân dân. Do đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn quan tâm thực hiện các giải pháp ổn định cuộc sống, hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân vùng thiên tai, vùng đồng bào DTTS.
Có dịp về khu tái định cư (KTĐC) Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc), gồm 33 hộ dân (127 nhân khẩu) 100% là người Dao sinh sống, chúng tôi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp của một làng quê yên bình, mang dáng dấp của một khu nghỉ dưỡng hiện đại.
Lau Bai nằm trên một khu đất cao, bằng phẳng, có tầm nhìn thoáng đãng, với những căn nhà khang trang, đường bê tông sạch đẹp, hệ thống điện, nước sạch, trường học được đầu tư bài bản.
Theo chính quyền địa phương, cơn bão lịch sử tháng 10/2017, Lau Bai nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Trước tình thế cấp bách, cấp ủy, chính quyền các cấp đã huy động các nguồn lực, vận động người dân tới nơi ở mới. Nhớ về thời khắc ấy, anh Lý Văn Thiện, Trưởng thôn Lau Bai cho hay: Khi được thông báo, vận động di dời khẩn cấp, bà con chấp hành ngay. Chính quyền địa phương, các cấp, các ngành đã hỗ trợ vận chuyển, di dời bà con đến nơi ở mới, hỗ trợ đất xây nhà, hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu để tạo sinh kế…
Anh Thiện nhấn mạnh, đến vùng đất mới an toàn hơn nên người dân yên tâm phát triển sản xuất, bộ mặt thôn xóm khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Nhà nước hỗ trợ đường điện, đường nước, trồng cây cảnh quan xung quanh hành lang rất đẹp. Hiện Lau Bai đang cố gắng xây dựng cảnh quan để thu hút và đón khách du lịch trong thời gian tới.
Được biết, năm 2017, huyện vùng cao Đà Bắc có 211 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao tại 5 KTĐC, tổng diện tích 19,5 ha. Tại huyện Tân Lạc có 16/16 xã, thị trấn với 146/159 xóm, khu thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, 9 xã và 9 xóm thuộc diện ĐBKK, trong đó toàn huyện có 4 KTĐC để ổn định cho 75 hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Sau khi chuyển về nơi ở mới, cuộc sống ở các KTĐC tại Đà Bắc, Tân Lạc và các KTĐC khác tỉnh Hòa Bình cơ bản ổn định và có nhiều khởi sắc.
Đảm bảo an sinh xã hội
Ngoài đảm bảo việc an cư cho đồng bào ở những vùng có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai, những năm qua, tỉnh Hòa Bình còn đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Việc hỗ trợ, thăm hỏi tặng quà cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, đồng bào sinh sống tại các xã vùng khó khăn... được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện kịp thời, đặc biệt trong dịp lễ, tết.
Điển hình như trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2023, đã có 23.982 lượt gia đình chính sách, người có công được tặng quà, với tổng kinh phí 5,96 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí cho 34.000 hộ nghèo ăn tết, với tổng kinh phí là 13,6 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng đang được quản lý chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội, các cơ sở cai nghiện ma túy, với tổng kinh phí là 557,76 triệu đồng; trợ giúp xã hội Tết Nguyên đán cho 47.222 đối tượng, với tổng kinh phí là 19,69 tỷ đồng; thực hiện cứu đói cho 1.012 hộ với 4.079 nhân khẩu với số gạo là 61,185 tấn…
Bên cạnh đó, Hòa Bình còn chú trọng hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; triển khai các lớp đào tạo nghề về sản xuất, chăn nuôi, giúp đồng bào DTTS tăng thu nhập, cải thiện đời sống; …
Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang tập trung triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719)…
Đặc biệt, Chương trình MTQG 1719 đang được các cấp, các ngành tỉnh Hòa Bình nỗ lực triển khai thực hiện nhằm mục tiêu: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng; giảm 50% số xã, thôn ĐBKK, quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên vùng kết lối với vùng phát triển; phát triển toàn diện về giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá; giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá của các DTTS…
Với 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung đầu tư khác nhau được tích hợp từ nhiều chính sách dân tộc, tỉnh Hòa Bình triển khai quyết liệt và bước đầu đã phát huy hiệu quả .
Đơn cử như tại huyện Mai Châu, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, đã có nhiều nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 được giải ngân kịp thời phát huy hiệu quả. Năm 2022, Mai Châu đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán tại các xã Sơn Thủy (được phân bổ 168 triệu đồng), xã Nà Phòn được (phân bổ 120 triệu đồng) và xã Thành Sơn 9336 triệu đồng), đã bàn giao téc nước cho các hộ gia đình theo quy định, với tổng giá trị giải ngân 581 triệu đồng. Năm 2023, địa phương hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 50 hộ với tổng số tiền 500 triệu đồng tại các xã Cun Pheo, Nà Phòn, Pà Cò, Hang Kia, Thành Sơn….
Bên cạnh đó, các dự án như: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn… đang được huyện Mai Châu và các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình triển khai quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Có thể thấy rằng, bằng sự ưu tiên dành nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế… đã giúp đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Hòa Bình ổn định sản xuất, đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ đó, mà hiện nay, toàn tỉnh có 65/129 xã đạt chuẩn NTM, số xã thuộc diện ĐBKK của tỉnh còn 39% trên tổng số xã, phường, thị trấn (giảm 29 xã so với năm 2017), đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 12,99%, giảm 2,5% so với năm 2021.