Ðây là mức giá thấp nhất trong mười năm trở lại đây. Giai đoạn 2013-2015, mỗi năm, một héc-ta tiêu cho nông dân thu lãi khoảng 700 triệu đồng.
Từ giữa năm 2016 đến nay, loại nông sản này liên tục rớt giá, hầu hết người trồng không có lãi. Chi phí trồng tiêu lại tăng theo từng năm, với những hộ vay mượn ngân hàng để trồng tiêu thì tình hình còn khó khăn hơn rất nhiều.
Tại các vùng trồng tiêu lớn ở Ðồng Nai như huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, thị xã Long Khánh, do giá thấp, nhiều hộ chọn cách cất giữ hồ tiêu, chờ giá lên mới bán. Tuy nhiên, không ít hộ vì vay mượn ngân hàng đầu tư nên vẫn phải bán để có tiền trả gốc và lãi.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ðồng Nai, lý do giá tiêu xuống thấp một phần do những năm gần đây diện tích trồng trên địa bàn tỉnh vượt gấp đôi so với quy hoạch, với khoảng 15 nghìn héc-ta.
Giai đoạn 2013-2015, giá tiêu ở mức cao, có khi lên đến 230 nghìn đồng/kg, nông dân ồ ạt trồng. Hiện Chi cục đã khuyến cáo người dân về diễn biến của thị trường và dự báo, thời gian tới, hồ tiêu rất khó lặp lại mức giá hơn 200 nghìn đồng/kg nên cần theo dõi sát để xuất bán khi giá phù hợp.
Người dân trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh mong muốn được các ngành chức năng thông tin thường xuyên, cụ thể hơn, không chỉ về giá bán trong nước mà cả giá xuất khẩu cũng như dự báo sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của cả nước thời gian tới để có hướng mở rộng hay thu hẹp diện tích trồng.
Ðối với những hộ vay ngân hàng với số tiền lớn mà chưa bán được tiêu để trả nợ thì cần được giãn nợ hoặc hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.
BẢO AN