Đối với những người phụ nữ DTTS sinh ra và lớn lên ở vùng miền núi, đời sống gặp muôn vàn khó khăn thế nhưng nhiều người vẫn vươn lên mạnh mẽ trở thành những nhà khoa học, vận động viên, doanh nhân… nổi tiếng trong nước và thế giới.
Nữ tiến sĩ người Ê-đê và lời hứa với chaSinh ra và lớn lên giữa đại ngàn trong một gia đình nghèo khó, suốt 12 năm đi học không được một manh áo mới, sách vở cũng chỉ đi xin về học lại, thế nhưng chừng ấy khó khăn không ngăn nổi bước chân của người con gái Ê-đê H’Linh H’Mok đến trường. Không những vậy, cô còn xuất sắc giành học bổng từ đại học đến tiến sĩ ở Cu Ba và Mexico.
Kể về cuộc đời thời thơ ấu của mình, nữ tiến sĩ sinh năm 1987 tâm sự: “Nhà mình thuộc diện nghèo nhất buôn ở huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk. Căn nhà trước đây không có đủ ván để che bốn bức tường, không đủ tôn để lợp trên mái nên mỗi lúc mưa thì nhà lại dột. Nước chảy lênh láng, ướt cả giường ngủ. Nhiều đêm, 6 thành viên trong gia đình ngồi co ro với miếng áo mưa che lơ lửng trên đầu. Những lúc nhà hết gạo, H’Linh và các em phải đi ngủ với cái bụng đói cồn cào. Thế nhưng, dù đến trường với cái bụng đói nhưng mình vẫn luôn nghĩ về những điều tốt đẹp ở tương lai. Lúc đó, mình nghĩ chỉ có lựa chọn là phải học thật giỏi mới có thể thoát nghèo và đạt được ước mơ của mình”.
Với quyết tâm đó, năm 2006, H’Linh thi vào ngành Sư phạm Vật lý, Trường ĐH Tây Nguyên. Kết thúc năm học thứ nhất, H’Linh lọt tốp 10 của Trường ĐH Tây Nguyên và đứng đầu lớp. Lúc đó, Trường Đại học tự nhiên La Habana (Cu Ba) dành cho trường ĐH Tây Nguyên một suất học bổng toàn phần, ngành Vật lý và H’Linh nộp hồ sơ.
Với quá trình phấn đấu không mệt mỏi, nghị lực phi thường và thành tích học tập tốt, H’Linh H’Mok đã được Trường ĐH La Habana chọn và cấp học bổng toàn phần. Trước ngày lên đường du học một tháng, cha của H’Linh qua đời vì bạo bệnh. Trước khi mất, cha cô nắm chặt tay dặn dò: “sau khi học xong phải về quê để phục vụ buôn làng nghe con”.
Nghe lời cha dặn, suốt những năm tháng ở xứ người, H’Linh đã làm hết điều kỳ diệu này sang điều kỳ diệu khác. Năm 2012, H’Linh tốt nghiệp Trường ĐH La Habana với bằng loại Giỏi. Cô tiếp tục nhận được học bổng toàn phần Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ ở Mexico. Hiện nay, H’Linh đã trở thành Tiến sĩ và đang hoàn thiện nốt các đề tài khoa học dang dở chuẩn bị về nước như lời hứa với cha cô khi nào.
Cô gái Mông và những tấm huy chương quốc tếHuy chương Bạc tại giải vô địch châu Á 2017, Huy chương Vàng SEA Games 27, Huy chương Bạc tại Giải vô địch boxing nữ trẻ thế giới năm 2011… là những thành tích đáng nể của vận động viên boxing số 1 Việt Nam Lừu Thị Duyên. Đáng ngạc nhiên hơn, khi nữ vận động viên này là người dân tộc Mông quê ở Lào Cai và từng không có khái niệm gì về boxing trước khi đến với thể thao.
Lừu Thị Duyên kể lại, cô bước vào làng thể thao thật tình cờ và hồn nhiên như cách sống hàng bao đời nay của người DTTS. Năm Duyên 14 tuổi, Sở Thể dục Thể thao Lào Cai đi chọn “nhân tài” gây dựng một số môn thể thao, trong đó có boxing. Trong lần tuyển chọn ấy, những cán bộ làm thể thao Lào Cai rất ấn tượng với cơ thể của cô gái mới lớn Lừu Thị Duyên và đã mời cô đi tập… đấm bốc. Thật tình thì lúc ấy, Duyên chẳng biết đấm bốc là môn gì. Thấy được lên Lào Cai luyện tập, có lương, thế là đồng ý.
Vậy là từ một cô gái Mông vốn quen sống khép kín, quanh năm bên những nương ngô Duyên đã bước vào sự nghiệp thể thao như thế. Thế nhưng, bước vào nghề thì dễ nhưng để thành danh trong sự nghiệp này phải đổ mồ hôi, sôi giọt máu mà không phải ai cũng đủ kiên trì theo đuổi.
Lừu Thị Duyên tâm sự, khi lên trung tâm thể thao tỉnh, cô mới “đớ” người vì boxing... ghê quá. Môn gì mà đấm nhau uỳnh uỵnh, sưng mắt, chảy máu mũi máu mồm thế kia. Thế là Lừu Thị Duyên tìm cách trốn về. Sau đó, lãnh đạo trung tâm thể thao lại phải lặn lội về nhà vận động cô gái Mông tiếp tục học.
Nhờ sự động viên đó, Duyên trở lại luyện tập, rồi không hiểu sao mê dần. Tố chất bẩm sinh cộng với sự chăm chỉ, Duyên tiến bộ không ngừng. Cô bảo: “Theo boxing thì đừng hy vọng nhàn hạ. Ngày trước, em cứ hồn nhiên đưa mặt ra cho người ta đấm, sưng húp mặt mũi. Nhưng cũng vì thế mà tiến bộ nhanh”.
Chỉ đúng một năm sau, Duyên có tấm Huy chương Vàng đầu tiên, đó là giải trẻ boxing toàn quốc, rồi vào Đội tuyển Quốc gia. Điều mà chính những người thầy của Duyên ngạc nhiên là sự tiến bộ không ngừng của cô. Chỉ 2-3 năm tập boxing, Duyên đã có ngay 1 Huy chương Bạc thế giới và sau đó là tấm Huy chương Bạc SEA Games-tấm huy chương đầu tiên của boxing nữ.
Người mang thổ cẩm Chăm ra thế giớiKhông chỉ thành danh trong lĩnh vực nghiên cứu, thể thao, nhiều người phụ nữ DTTS còn trở thành những doanh nhân lớn của cả nước. Chị Thuận Thị Trụ là một người như thế.
Là người dân tộc Chăm, ở Ninh Thuận vốn quanh năm vất vả với miền gió cát, nhưng chị Trụ không “yên phận” mà vươn lên làm chủ doanh nghiệp lớn mang sản phẩm thổ cẩm xuất khẩu khắp nơi trên thế giới.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông song khi đất nước bắt đầu mở cửa, chị Trụ quyết định "thoát li" ra ngoài làm ăn. Xoay đủ nghề mà vợ chồng chị vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo khó. Thế rồi, năm 1991, chị mạnh dạn quay lại nghề cũ nhưng với quy mô lớn hơn bằng cách thành lập cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Inrahani tại quê nhà.
Những năm đó, ai cũng biết việc tiêu thụ các mặt hàng thủ công truyền thống vốn đã khó, việc xuất khẩu lại càng không tưởng. Nhưng không vì thế mà chị Trụ nguôi ngoai ý tưởng đưa thổ cẩm Chăm ra thị trường thế giới. Thật may, vào năm 1998, chị tình cờ gặp được cặp vợ chồng người Pháp có nhã ý muốn mua một lô hàng kha khá. Rồi tiếp theo, một khách hàng người Nhật, sau khi xem số hàng tồn trong cửa hàng của chị, đã rút hết hầu bao ra trả để mang hàng về đất nước "Mặt trời mọc".
Có khoản vốn lận lưng ban đầu, chị Trụ trở thành người tiên phong trong việc "xã hội hóa" các sản phẩm thổ cẩm Chăm ra thị trường trong nước với quy mô lớn, để rồi đến đầu năm 2000, tại làng Chăm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, Công ty TNHH dệt may thổ cẩm Chăm Inrahani với 200 công nhân đã ra đời.
Sau khi thành lập công ty, chị Trụ nhanh chóng bắt mối với cơ sở kinh doanh, sau đó, tổ chức các "chiến dịch" cung ứng hàng thổ cẩm cho thị trường Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Lào, Thái Lan, Pháp, Bỉ… Sự góp mặt của thổ cẩm Chăm, từ các sản phẩm khăn, váy, áo truyền thống cho đến những tấm trải bàn, túi xách, ví, mũ, nón, ba lô… do Công ty cung ứng nhiều đến nỗi, năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục gia đối với chị Thuận Thị Trụ về thành tích "Người phụ nữ Chăm giới thiệu và phát triển thổ cẩm Chăm ra nước ngoài nhiều nhất".
THIÊN ĐỨC