Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi- 2019 vừa rồi, chị Arất Thị Nhưng (ở thôn Ka Nơm, thị trấn Prao, huyện Đông Giang-Quảng Nam) rất vui vì lần đầu tiên được ở trong ngôi nhà xây mới do chính chị làm chủ. Ngôi nhà có tổng kinh phí hơn 80 triệu đồng; trong đó, kinh phí hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh hơn 50 triệu đồng, gia đình chị vay mượn thêm 30 triệu đồng để làm nhà.
Là hộ gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, chồng mất sớm để lại hai đứa con nhỏ dại, nhà cửa tuềnh toàng lại nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao nên gia đình chị được địa phương xét đưa vào danh sách hỗ trợ di dời vào nơi ở mới. “Lần đầu tiên gia đình có nhà mới nên mình vui lắm. Ngoài hỗ trợ xây dựng nhà, gia đình mình còn được hỗ trợ điện và nước sinh hoạt. Đến nơi ở mới thuận lợi hơn trước nên mình sẽ lo làm ăn để trả nợ vay và dành dụm tiền nuôi con ăn học”, chị Arất Thị Nhưng phấn khởi nói.
Tương tự, được sự hỗ trợ di dời sắp xếp, ổn định dân cư theo Nghị quyết số 12 năm 2017 của HĐND tỉnh, gia đình vợ chồng chị Zơrâm Thị Glý và anh Alăng Bút (ở thôn A Dinh 1, thị trấn P’rao) đã xây dựng nhà cửa kiên cố với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Theo chị Glý, khu vực nhà cũ của chị cũng ở trên địa bàn thôn A Dinh 1 nhưng bị sạt lở đe dọa đến tính mạng, lại thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt nên đời sống rất khó khăn. Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, gia đình chị vay mượn thêm để làm nhà.
Từ khi đến nơi ở mới đến nay, cuộc sống gia đình ổn định nên chị Zơrâm Thị Glý vui lắm. Chị Glý cho biết: “Gia đình giờ có nhà cửa ổn định nên không còn lo sạt lở mỗi khi có mưa bão. Điều kiện nơi ở mới hiện rất thuận tiện vì gần đường giao thông, gần nguồn nước sinh hoạt. Mình vừa làm ruộng vừa trồng keo lá tràm nên đời sống khá hơn trước rất nhiều. Mình cảm ơn tỉnh và huyện đã quan tâm hỗ trợ di dời đến nơi ở mới rất thuận lợi để ổn định cuộc sống và sản xuất lâu dài cho gia đình”.
Được biết, thực hiện Nghị quyết số 12 năm 2017 của HĐND tỉnh về “Phát triển kinh tế-xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”, trong 2 năm 2017 và 2018, huyện Đông Giang đã đầu tư kinh phí hơn 20 tỷ đồng để hỗ trợ di dời, sắp xếp ổn định cho 392 hộ gia đình đến nơi ở mới theo hình thức tập trung và xen ghép. Trong đó, có 129 hộ gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai; 252 hộ đặc biệt khó khăn và 11 hộ sống phân tán có điều kiện khó khăn. Các hộ gia đình này được hỗ trợ san lấp nền nhà, hỗ trợ di chuyển nhà đến nơi ở mới và hỗ trợ làm đường dân sinh, nước và điện sinh hoạt nên cuộc sống sớm ổn định.
Anh Văn Quý Đức, cán bộ địa chính thị trấn P’rao cho biết: “Khi triển khai thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, địa phương rà soát, tổng hợp danh sách các hộ trong diện được hỗ trợ rồi sau đó tổ chức họp dân bình xét, ưu tiên chọn các gia đình đặc biệt khó khăn, vùng ảnh hưởng thiên tai để hỗ trợ di dời đến nơi ở mới trước. Về mặt bằng bố trí hộ dân đến nơi ở mới cũng được khảo sát kỹ, chủ yếu là bố trí xen ghép nhưng phải đảm bảo diện tích theo quy định, vừa thuận tiện giao thông và điều kiện sản xuất của các hộ dân. Các hộ dân khi di dời nhà cửa đến nơi ở mới có lực lượng đoàn viên thanh niên, ngành, đoàn thể và Nhân dân hỗ trợ di dời. Việc sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn thị trấn Prao thời gian qua có hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội của địa phương”.
Theo ông Bhiryu Long, Phó Chủ tịch HĐND huyện Đông Giang, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh là rất nhân văn. Nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị thiên tai đe dọa trên địa bàn huyện Đông Giang được hỗ trợ xây dựng nhà cửa, điều kiện sống và sinh hoạt ổn định so với trước. Tết Kỷ Hợi 2019 vừa qua, nhiều hộ gia đình vui Tết đón Xuân trong những ngôi nhà mới nên rất phấn khởi. “Toàn huyện Đông Giang có trên 400 hộ gia đình cần tiếp tục hỗ trợ di dời, ổn định chỗ ở theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh. Nhiều địa phương còn khó khăn, việc bố trí tái định cư cho các hộ dân di dời phải đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất và văn hóa cộng đồng Cơ-tu nên địa phương lồng ghép với các chương trình, dự án để tạo điều kiện sinh kế lâu dài cho người dân”, ông Bhiryu Long cho biết.
LÊ PHƯỚC LAN NHI