Ông Nguyễn Trọng Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, ba năm qua Châu Thành đã đầu tư trên 17,2 tỷ đồng để thực hiện 18 phương án hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đầu tư 22 công trình cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng 9 công trình hạ tầng và tổ chức 13 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Trong đó, có 465 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hưởng lợi, với tổng kinh phí được phân bổ hơn 6 tỉ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,40% năm 2016 xuống còn 8,31% vào cuối năm 2018, trong đó tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số năm 2018 là 15,21%. Riêng vùng các xã, ấp, khóm đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,74 % năm 2016 xuống còn 14,28% vào cuối năm 2018”, ông Nhân nói.
Điểm nổi bật ở Châu Thành là hệ thống kết cấu hạ tầng thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể, địa điểm xây dựng dựa trên cơ sở ý kiến của đại đa số người dân địa phương thông qua các cuộc họp dân. Đồng thời, người dân được tham gia ý kiến trong các cuộc họp lập kế hoạch, tham gia xây dựng, giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện. Từ đó nhân dân hưởng ứng tích cực thể hiện qua việc tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất, cây trái, hoa màu nơi có công trình đi qua. Đến nay, 100% các xã có đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô đến được trung tâm. Sản xuất nông nghiệp trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã có hệ thống thủy lợi nội đồng. Hệ thống điện, nước được đầu tư phát triển mạnh, đáp ứng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Ghi nhận tại xã Mỹ Chánh, địa phương có hơn 38% người dân tộc Khmer, các hộ đều sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Để giúp các hộ nông dân xóa đói giảm nghèo Mỹ Chánh đã triển khai mô hình giảm nghèo bền vững từ nhiều nguồn vốn chương trình 135, 167… như: Mô hình chuộc đất cho 33 hộ người dân tộc Khmer với diện tích trên 98,5 ha, số tiền trên 1 tỉ đồng, mô hình hỗ trợ đất ở cho 12 hộ nghèo, mỗi hộ bằng 25 triệu đồng; mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò vỗ béo cho 120 hộ nghèo gần 1 tỉ đồng; mô hình giảm nghèo vùng đồng bào Khmer 15 hộ, với số tiền 8 triệu đồng/hộ.
Anh Lâm Văn Ba, ở ấp Phú Mỹ, xã Mỹ Chánh thuộc diện hộ nghèo không có đất sản xuất, phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Năm 2008, được xã giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số vốn 10 triệu đồng để chăn nuôi bò. Đến nay, đàn bò của gia đình đã tăng lên 10 con, trong đó có 6 con sinh sản và 4 con bê, bình quân mỗi năm gia đình ông xuất chuồng khoảng 5 con, thu hơn 70 triệu đồng. Có được đồng vốn tích lũy, gia đình anh đã mua được 8 công đất để sản xuất. Anh Ba cho biết: “Được hỗ trợ nguồn vốn, tôi thường xuyên học hỏi kinh nghiệm ở các nơi cố gắng làm cho kinh tế gia đình mình được ổn định như tổ chuyển đổi chăn nuôi bò đã có hiệu quả kinh tế, làm mô hình cho bà con ở địa phương thực hiện theo để thoát nghèo”.
Với mục tiêu tất cả vì người nghèo, các mô hình giảm nghèo bền vững ở Mỹ Chánh bước đầu ghi nhận hiệu quả, mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho hộ nghèo. Ông Dương Huy Bảo, Chủ tịch xã Mỹ Chánh thông tin thêm: Thời gian tới, Mỹ Chánh tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động các mô hình, kịp thời hỗ trợ vốn, gắn dạy nghề với giải quyết việc làm. Từ đó, có kế hoạch nhân rộng mô hình, giúp thêm nhiều người nghèo thoát nghèo bền vững.
PHƯƠNG NGHI