Đề án “Phấn đấu Bắc Ninh không còn thực phẩm bẩn”, được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 736/QĐ-UBND ngày 25/12/2017 và được phê duyệt sửa đổi, bổ sung một số điều theo Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 14/12/2018. Đề án xác định mục tiêu chung: “Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, địa phương về ATTP; tăng cường kiểm soát chất lượng ATTP; xây dựng chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc đảm bảo ATTP. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản không còn tình trạng thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh”, với 7 mục tiêu cụ thể và 14 chỉ tiêu liên quan đến công tác đảm bảo ATTP từ khâu sản xuất thực phẩm ban đầu đến người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Vinh Thanh, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh cùng sự vào cuộc của toàn xã hội, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh Bắc Ninh có bước chuyển biến tích cực. Nhờ đó, sau 5 năm thực hiện, tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành 5/7 mục tiêu của Đề án.
Cụ thể, kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy hệ thống quản lý ATTP từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP tỉnh, thành lập 5 Đội Thanh tra - Quản lý ATTP trực thuộc Ban Quản lý ATTP và có trụ sở tại các huyện, thành phố, đồng thời kiện toàn mạng lưới cộng tác viên về ATTP đến 126/126 xã, phường, thị trấn.
100% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; người quản lý và người tiêu dùng tiếp cận với các thông tin về ATTP. Hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, gian lận thương mại, các loại phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp... Nâng cấp và hoàn thiện ít nhất 01 phòng thí nghiệm có khả năng thực hiện các cơ sở chỉ tiêu thử nghiệm thực phẩm.
Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính. Trong giai đoạn 12/2017-12/2021, số lượng vụ ngộ độc thực phẩm từ 30 người mắc bệnh trở lên giảm 78% so với giai đoạn 2011-2016. Các vụ ngộ độc thực phẩm đã được tiến hành điều tra, xử lý, lấy mẫu kiểm tra xác định nguyên nhân, căn nguyên, xử lý vi phạm, khắc phục hậu quả theo quy định.
Để tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo ATTP trong giai đoạn tiếp theo, ông Nguyễn Vinh Thanh cho biết, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp cũng như công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo ATTP. Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trong ATTP.
Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất hàng hóa thực phẩm theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo ATTP và nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản thực phẩm.