Tất cả các bị cáo chủ mưu các trong vụ thảm án này đều phải nhận mức án cao nhất là tử hình. Đây là bản án đúng người, đúng tội, nhận được sự đồng tình của dư luận. Thế nhưng, đối với những nhà chức trách, thì đây là việc làm cực chẳng đã.
Hẳn là những kiểm sát viên thực hành quyền công tố, thẩm phán nhân danh Pháp luật để tuyên án và những nhà báo theo dõi tường thuật các vụ án này đều có chung tâm trạng là “mài mực nước mắt” để thực thi nhiệm vụ.
Không ai có thể vui mừng khi tước đi quyền sống của người khác, dù đó là kẻ tội phạm dã man. Nhưng việc cần làm thì vẫn phải làm. Khi một cành cây đã sâu mọt, nhiễm bệnh trầm trọng có thể gây hại, truyền nhiễm cho cả một “cây đời” thì việc tỉa cành cứu cây là cần thiết.
Thế nhưng, đây chỉ làm việc cần làm mà chưa đủ. Bởi bạo lực không thể đẩy lùi được bạo lực.
Để cây đời mãi mãi xanh tươi, điều cốt lõi không chỉ là chặt tỉa vài nhành cây, mà cần phải nhận được sự chăm sóc tốt. Việc cần hơn lúc này và phải chăm bẵm từ gốc. Đó là việc chúng ta phải thường xuyên vun xới, thăm nom và tưới mát bằng sự yêu thương thông qua giáo dục, truyền thông một cách thực chất.
Chỉ khi nào cây đời được đón nhận sự yêu thương, bao dung và lòng vị tha đủ lớn khi ấy nó mới có thể tự đứng vững trong mọi tình huống dù là khắc nghiệt nhất.