Bài 1: Từ cây “thuốc giấu” đến thương hiệu “triệu đô”
Từ cây “thuốc giấu” …
Đỉnh núi Ngọc Linh (thuộc tỉnh Quảng Nam và Kon Tum) nằm trên dãy núi Trường Sơn, quanh năm mây mù bao phủ. Tại địa phận tỉnh Quảng Nam, trên đỉnh núi có 4 ngôi làng của đồng bào dân tộc Xơ-đăng, thuộc xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Đến mảnh đất Nam Trà My hôm nay, chúng tôi được nghe người dân Xơ-đăng lưu truyền một câu chuyện từ xa xưa, về nguồn gốc sâm Ngọc Linh, loài sâm quý hiếm vừa trở thành “thương hiệu” của Việt Nam cách đây chưa lâu.
Câu chuyện xưa kể rằng, trong lần đặt bẫy thú giữa rừng sâu, một thợ săn chặt cây nứa vót nhọn giăng bẫy. Do sơ ý, nứa đâm vào cánh tay chảy nhiều máu. Thợ săn vơ vội củ, lá rừng, nhai nhỏ rồi đắp vết thương. Trong tích tắc, máu cầm hẳn. Lần sau bị chảy máu, người này tìm củ rừng hôm trước và phát hiện ra bài thuốc đặc biệt cho bản thân. Bài thuốc sau đó được lan truyền trong cộng đồng, được người dân gọi là củ Kang.
Già làng Hồ Văn Lang, làng Tắk Ngo, xã Trà Linh kể, người dân Xơ-đăng sống từng cụm ở lưng chừng ngọn núi nguyên sinh Ngọc Linh. Để tồn tại giữa rừng thiêng nước độc, chống lại các loại bệnh tật, dân làng có một cây thuốc rất đặc biệt, theo tiếng Xơ-đăng gọi là củ Kang. Củ Kang mọc thành đám dưới tán rừng, dọc theo các con suối, cây cao 30-50cm, củ nhiều rễ, trên củ có nhiều mắt lõm vào thân và xếp so le nhau.
Nhiều già làng Xơ-đăng sống trên núi Ngọc Linh khẳng định, củ sâm Ngọc Linh được người địa phương phát hiện từ rất lâu và biết sử dụng để chữa bệnh. Có nhiều người đem củ sâm trong rừng già về chôn dưới đất, ngay dưới nhà sàn để chủ động trong việc chữa bệnh. Giữ làm phương thuốc riêng, nhưng khi thấy người ngoài đến làng và bị ốm, người dân Xơ-đăng lại đem củ Kang ra biếu. Củ Kang đem biếu thường đã được chế biến, chứ dân làng tuyệt nhiên không tiết lộ thân, củ loại cây này. Trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Bộ đội hành quân trên dãy Trường Sơn, qua những ngôi làng Xơ-đăng. Lúc đó nhiều chiến sĩ bị bệnh sốt rét, sức khỏe suy nhược, người dân Xơ-đăng vào rừng lấy củ Kang nấu nước cho uống trị thương và bộ đội đã khỏe mạnh, tiếp tục hành quân. Khi Bộ đội rời làng, bà con tặng cho ít củ phơi khô mang theo phòng thân. Vì vậy củ Kang bị lộ ra ngoài và lan truyền. Năm 1973, cán bộ y tế về tận làng tìm hiểu và phổ biến cách sử dụng thuốc rộng rãi. Họ dặn bà con giữ bí mật loại cây này, tránh địch phát hiện và tên “thuốc giấu” có từ đó.
Có thể thấy, được biết đến là một trong những loại sâm rất tốt cho sức khỏe con người nhưng ngót nửa thế kỷ đã trôi qua, loại cây đặc hữu này gần như đã chìm vào quên lãng, mãi bí ẩn như một loại “thuốc giấu” theo như cách gọi của đồng bào Xơ-đăng.
...đến thương hiệu triệu đô
Cách đây chừng 5 năm, ông Hồ Quang Bửu được điều chuyển từ sở, ngành của tỉnh Quảng Nam về huyện Nam Trà My, giữ chức Chủ tịch UBND huyện. Trò chuyện với chúng tôi về sâm, dường như ông Bửu có một niềm đam mê, đau đáu đặc biệt. Hồi về làm Chủ tịch UBND huyện, ông Bửu thống kê chưa đến 100 người trồng sâm, chưa ai nói nổi bật lên giá trị quý của cây sâm, chưa ai biết nhiều về nó. Trong một thời gian dài, việc phát triển sâm Ngọc Linh chủ yếu là tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, do bị thương lái thao túng, nên giá sâm rất thấp và không ổn định, chưa đúng với giá trị thực. Tất cả đã khiến hơn 100 vùng sâm trên núi Ngọc Linh dần suy thoái và cạn kiệt.
“Suy nghĩ làm như thế nào để phát triển sâm và phải có định hướng rõ ràng của Đảng và Nhà nước về cây sâm, thì lúc đó sâm mới phát triển được, nên tôi đã cùng một số cộng sự nghiên cứu, tìm tòi viết nên một Đề án sâm Ngọc Linh là sâm Việt Nam”, ông Hồ Quang Bửu chia sẻ.
Chính tâm huyết của mình, từ khoảng 4, 5 năm trở lại đây, trên các nẻo đường hiểm trở lên núi Ngọc Linh, người ta đã quá quen thuộc với sự xuất hiện của ông Hồ Quang Bửu, một người đàn ông cao ráo, có mái tóc hoa râm, đôi mắt tinh anh, có giọng nói sang sảng và tính cách đầy quyết đoán. Ông thường xuyên lặn lội đến vùng sâm chỉ với một mục tiêu duy nhất là tìm cách để vực dậy một loại đặc sản vô cùng quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị quên lãng…
Biến sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ đạo, hay xa hơn là một thương hiệu mạnh để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số là mục tiêu và cũng là tâm huyết của ông Hồ Quang Bửu. Tuy nhiên, ngay từ khi mới bắt đầu, ý tưởng của ông gặp không ít trở ngại, hay thậm chí là ý kiến phản đối. Bởi để thực hiện việc này thì cần phải huy động một nguồn lực rất lớn. Trong khi Nam Trà My đang là một trong những huyện nghèo nhất trong nhóm các huyện nghèo của cả nước. Nhưng ông suy nghĩ quyết đoán, không thể để tình trạng “rừng giàu dân nghèo” mãi tồn tại như một nghịch lý.
Vốn không phải là người làm khoa học, nhưng bằng sự đam mê hiếm thấy, ông Bửu đã tự mày mò nghiên cứu những thông tin cơ bản về sâm Ngọc Linh và các mô hình phát triển các loại sâm nói chung trên thế giới để có cơ sở cần thiết xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Không những vậy, ông còn tự mình đứng ra bảo vệ Đề án trước Hội đồng Khoa học cấp tỉnh. Rồi sau đó là giải trình và bảo vệ trước các bộ, ngành Trung ương. Nhờ những nỗ lực đó, đến cuối năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm núi Ngọc Linh đến năm 2030. Theo đó, từ chỗ phát triển phân tán, lẻ tẻ trong dân, giờ đây sâm Ngọc Linh đã được biết đến rộng rãi ở trong và ngoài nước. Vào đầu tháng 6 năm 2017, Sâm Ngọc Linh chính thức được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia. Kèm theo đó là những cơ chế chính sách đặc thù dành cho sản phẩm có tiềm năng lớn về kinh tế và y học này.
Có thể nói, sau gần nửa thế kỷ lẩn khuất trong thầm lặng giữa đại ngàn Trường Sơn, sâm Ngọc Linh đã được “đánh thức” và khẳng định giá trị. Điều này không chỉ giúp người dân bảo vệ rừng, mà quan trọng hơn là đã khơi dậy được khát vọng đổi đời của hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở núi Ngọc Linh. Giờ đây, họ đã có thể bắt đầu hướng đến một thương hiệu “triệu đô” mang tên sâm Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu khoa học đã chứng minh, sâm Ngọc Linh là dược liệu quý, có tác dụng bồi bổ cơ thể, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan, tăng thị lực, trí tuệ, gia tăng sức đề kháng, loại bỏ các độc tố ảnh hưởng đến tế bào cơ thể, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới… Trong rễ củ của sâm Ngọc Linh có 52 hợp chất saponin, trong đó có 26 saponin thường thấy ở sâm Triều Tiên, Sâm Nhật và sâm Mỹ, 26 saponin có ở sâm Ngọc Linh. Do vậy sâm Ngọc Linh có những tính năng hơn hẳn các loại sâm nổi tiếng khác trên thế giới…
Thanh Huyền