Ông Nguyễn Đình Chữ ở xã Đồng Thành - Yên Thành cho biết: Gia đình xuống giống đúng lịch thời vụ, chăm sóc theo quy trình nhưng khi lúa trổ thì xảy ra tình trạng bông lép, không kết hạtVụ Xuân 2025 toàn tỉnh Nghệ An gieo cấy trên 91.026ha lúa; trong đó có hơn 52.480ha lúa cấy, hơn 38.545ha lúa gieo thẳng. Trên tổng số 91.026ha lúa, có đến 102 giống lúa được người dân sử dụng/cơ cấu đề án là 74 giống. Như vậy có đến 28 giống sản xuất nằm ngoài các giống cơ cấu.
Qua điều tra, tổng hợp của ngành Nông nghiệp và Môi trường, vụ Xuân 2025 có 2.700ha lúa bị thiệt hại, chiếm 3% tổng diện tích sản xuất. Trong số 2.700ha lúa bị ảnh hưởng năng suất, thì có đến 600ha lúa thiệt hại khoảng 70%.
Ngành Nông nghiệp và Môi trường đánh giá rằng, ngoài thời tiết dị thường ảnh hưởng đến thời gian lúa làm đòng và trổ bông, thì còn có nguyên nhân khác, là công tác chỉ đạo ở một số địa phương chưa quyết liệt dẫn đến tình trạng người nông dân chưa tuân thủ khung thời vụ gieo cấy, cơ cấu giống của tỉnh, huyện ban hành.
Thực tế cho thấy, tại một số địa phương, tình trạng nông dân tự ý gieo cấy các giống lúa ngoài cơ cấu ngày càng phổ biến. Không chỉ là những giống lúa không có trong cơ cấu của từng địa phương huyện, xã; mà theo điều tra của ngành Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An, trong vụ Xuân vừa qua đã có tới 28 giống lúa ngoài cơ cấu của tỉnh.
Việc tự ý sử dụng giống lúa không nằm trong khuyến cáo đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về sâu bệnh, năng suất và gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý sản xuất, phòng trừ sâu bệnh hại.
Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An đã có những khuyến cáo cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Xinh (ngụ xóm 5, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An) buồn bã khi có 3 sào ruộng vụ Xuân này không kết hạtTheo đó, đối với UBND các huyện, cần rà soát, đánh giá lại tình hình, số lượng, mức độ bị ảnh hưởng của vụ Xuân 2025, để rút ra kinh nghiệm trong chỉ đạo, nhất là việc chấp hành lịch thời vụ và cơ cấu giống trong Đề án sản xuất của tỉnh và địa phương ở các vụ tiếp theo.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát chất lượng, cơ cấu giống, tuyên truyền các xã, các HTX và bà con không đưa các giống không có trong cơ cấu, giống chưa được công nhận lưu hành vào sản xuất; xử lý nghiêm những giống chưa được công nhận lưu hành trên thị trường.
Đối với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, phối hợp đánh giá lại cơ cấu giống, đặc điểm các giống để tham mưu bộ giống phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh trong đề án của các năm tới, giảm số lượng giống trong cơ cấu giống của tỉnh, không để quá nhiều giống.
Các giống mới lần đầu đưa vào cơ cấu giống trong Đề án sản xuất phải được thử nghiệm, xây dựng mô hình ít nhất là 3 vụ để đánh giá khả năng thích nghi của giống trên địa bàn. Đặc biệt, tham mưu xử lý nghiêm những giống chưa được công nhận lưu hành trên thị trường theo đúng quy định.
Đối với các công ty, doanh nghiệp cung ứng giống, cần phải thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước về giống cây trồng. Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng QLKTKHCN có giải pháp tháo gỡ chia sẻ khó khăn với bà con nông dân khi gặp rủi ro trong sản xuất.