Theo thỏa thuận hợp tác, UBND tỉnh An Giang sẽ phối hợp với Tập đoàn Tân Long tập trung xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững tại tỉnh An Giang, đồng thời phát triển các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) nông nghiệp để tổ chức sản xuất quy mô lớn.
Tập đoàn Tân Long tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa với các HTX, THT nông nghiệp tại tỉnh An Giang trên diện tích canh tác tăng dần qua các năm (năm 2022 đạt 10.000ha, năm 2023 đạt 15.000ha, năm 2024 đạt 20.000ha và năm 2025 đạt 30.000ha). Ngoài diện tích liên kết trực tiếp, Tập đoàn tổ chức thu mua sản lượng lúa ổn định của nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang khoảng 100.000 tấn/vụ; tham gia thành lập mới 50 HTX và 200 THT nông nghiệp (hoặc liên kết với HTX, THT hiện có) tại địa bàn trọng điểm gần nhà máy (huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn…) để hình thành chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.
Trong thỏa thuận hợp tác với tỉnh Kiên Giang, Tập đoàn Tân Long tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa với các HTX, THT nông nghiệp tại tỉnh Kiên Giang trong năm 2022 là 10.000ha (sản lượng dự kiến 70.000 tấn), đến năm 2025 đạt 30.000ha (sản lượng dự kiến 150.000 tấn).
Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam hoan nghênh Tập đoàn Tân Long đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp và liên kết hợp tác với hai tỉnh An Giang, Kiên Giang, đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu và mô hình HTX kiểu mới.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT đang triển khai thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu 50.000ha lúa tại An Giang và Kiên Giang đạt quy chuẩn xuất khẩu, được cấp mã số vùng trồng, gắn với doanh nghiệp tiêu thụ. Việc đầu tư vùng nguyên liệu cùng những chính sách hỗ trợ của Bộ NN&PTNT cùng tỉnh An Giang, Kiên Giang đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng liên kết sản xuất theo hướng quy mô lớn, hiện đại sẽ giúp xây dựng hình mẫu phát triển mới trong nông nghiệp, từ đó nhân rộng ra vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.