Nhiều mô hình hiệu quả
Về Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - Tiểu học Cán Chu Phìn, xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang), chúng tôi có dịp dự buổi sinh hoạt dưới cờ “Đưa văn hóa truyền thống vào trường học” đầy cảm xúc.
Em Vừ Đức Hải, lớp 5A2, dân tộc Mông bày tỏ, em rất thích các buổi sinh hoạt dưới cờ. Trong buổi sinh hoạt, em sẽ được biểu diễn khèn Mông mà em yêu thích, em cũng được nghe các thầy cô dạy kĩ năng sống, về những việc nên làm, không nên làm, cái gì là lỗi thời, lạc hậu …
Cô Hoàng Lệ Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 100% học sinh là người DTTS, qua mỗi buổi sinh hoạt dưới cờ, các buổi sinh hoạt lớp, các thầy cô thường lồng ghép tuyên truyền cho học sinh về các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với cuộc sống bằng nhiều hình thức khác nhau.
Đặc biệt về tập tục kéo vợ, các thầy cô luôn phân tích cho các em thế nào là đúng, thế nào là sai, thế nào là xấu, việc nên làm và việc không nên làm bằng những hình ảnh cụ thể. Đồng thời, nhà trường cũng lồng ghép tuyên truyền các luật như: Luật trẻ em, Luật Hôn nhân - Gia đình…nhờ đó mà, trong những năm qua chưa có trường hợp tảo hôn nào xảy ra cũng như không có trường hợp nào là nạn nhân tục kéo vợ.
Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Hà (huyện Quang Bình) đã ra mắt "Hội nàng dâu họ Giàng tham gia xóa bỏ hủ tục lạc hậu" tại thôn Khuổi Cuốm. Tại buổi ra mắt, các thành viên đại diện cho các hộ gia đình trong dòng họ, đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng như: Không tổ chức cho con cái kết hôn khi chưa đủ tuổi theo pháp luật quy định; đăng ký kết hôn theo đúng quy định pháp luật; không thách cưới quá 20 triệu; không tổ chức linh đình, không gả con cho anh em trong dòng họ có cùng dòng máu trực hệ; thực hiện nghiêm túc việc đưa người nhà bị ốm đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; không làm lễ cúng để chữa bệnh…
Đặc biệt, đối với cúng đám tang, tùy điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình tổ chức cúng (trâu, bò, lợn), chỉ được giết mổ 1 con. Qua đó, các hộ gia đình và chị em dâu trong dòng họ Giàng đều nhất trí 100% thực hiện theo "Nghị quyết" của dòng họ.
Thời gian qua, phong trào phát triển kinh tế gắn với việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu đang phát huy tính hiệu quả, sôi nỗi ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Tiêu biểu như tại Mèo Vạc, các cấp hội phụ nữ đã đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, cải tạo vườn tạp, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi...,đồng thời, tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nên tình trạng tảo hôn, kéo vợ, thách cưới trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã giảm xuống đáng kể, tính từ năm 2015 – 2020 trên địa bàn huyện có 387 trường hợp tảo hôn, xử lý hành chính 228 trường hợp, thì đến năm 2021, chỉ còn 75 trường hợp, tuyên truyền vận động thành công 46 trường hợp, xử lý vi phạm hành chính 29 trường hợp…
Quyết tâm xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Với quyết tâm xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang đã thực hiện nhiều giải pháp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 10/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; ngày 1 tháng 5 năm 2022 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 27-NQ/TU về xóa bỏ xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của tỉnh các cấp ủy, chính quyền, các cấp Hội phụ nữ, Thanh niên, các tổ chức Đoàn thể tỉnh Hà Giang xác định, thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc...,là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, triển khai quyết liệt trên cả hai mặt “xây” và “chống” trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị – xã hội và các tầng lớp Nhân dân.
Theo dõi các trang Fanpage của các cấp bộ Đoàn Thanh niên, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ, các trang tin của các huyện… có thể thấy, ở hầu hết các cấp, các tổ chức đoàn thể đã thực hiện nhiều phần việc cụ thể, thiết thực, tạo thành một phong trào xóa bỏ hủ tục sôi động, rộng khắp, lan tỏa đến từng đường làng, ngõ xóm, với nhiều mô hình hiệu quả như: phụ nữ, thanh niên giúp nhau cải tạo vườn tạp, thành lập nhiều mô hình xóa bỏ hủ tục gắn liền với phát triển kinh tế hiệu quả; các thôn, bản, xã liên tiếp tổ chức các buổi tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu; thành lập các mô hình dòng họ xóa bỏ hủ tục lạc hậu; tuyên truyền đồng thời bằng tiếng phổ thông và nhiều thứ tiếng khác nhau; tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa…
Có thể thấy rằng, xóa bỏ hủ tục là cần thiết, nhưng không thể “một sớm một chiều” bởi nó đã ăn sâu vào đời sống của người dân. Nhưng với sự quyết tâm bằng những việc làm cụ thể, những mô hình hiệu quả, sẽ từng bước xóa bỏ hủ tục từ cấp cơ sở, góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, tốt đẹp hơn.