Làm trước để dân tin
Khoảng 10 năm trở về trước, xã Trung Lý, huyện biên giới Mường Lát vẫn còn chìm sâu trong đói nghèo, lạc hậu và tệ nạn ma túy, bà con quanh năm thiếu ăn do tập quán canh tác lạc hậu. Để giúp bà con thoát khỏi tình trạng này, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng (ĐBP) Trung Lý đã phân công cán bộ, chiến sĩ phụ trách bản trực tiếp hướng dẫn cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất. Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ trồng rừng sản xuất, trồng lúa nước 2 vụ, phòng chống tội phạm ma túy, giữ gìn an ninh trật tự.
Ban Chỉ huy ĐBP Trung Lý đã phân công cán bộ, chiến sĩ xuống các bản “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, nhằm tăng cường tình đoàn kết, tạo sự gần gũi tiện lợi cho việc tuyên truyền, vận động bà con khai hoang trồng lúa nước 2 vụ, trồng rừng sản xuất, trồng ngô lai theo phương châm “cầm tay chỉ việc”.
Qua thời gian, từ năm 2011 đến nay, với sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, các hộ đã tham gia trồng được 50 ha rừng theo Dự án 147; phát triển chăn nuôi với hàng trăm con trâu, bò. Ngoài ra, nhiều hộ còn tham gia trồng vầu, đào và mận Tam Hoa. Sau gần chục năm, những vườn mận, đào này trở thành phao cứu sinh thoát nghèo cho các hộ dân.
Đơn cử như tại 3 bản Khằm 1, Khằm 2, Khằm 3, vào năm 2010, diện tích lúa nước chỉ có gần 5 ha. Qua sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ ĐBP Trung Lý, bà con 3 bản đã khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước 2 vụ lên hơn 30 ha. Trong quá trình canh tác, thực hiện đúng khung lịch thời vụ, có chăm sóc và sử dụng phân bón nên năng suất bình quân đạt hơn 40 tấn/ha.
“Những năm trước, bà con chúng tôi chủ yếu làm lúa nương, nhưng năng suất thấp, ai cũng nghèo chẳng biết bấu víu vào đâu. Nhưng nhờ có BĐBP giúp đỡ, chúng tôi đã biết cách trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Nhiều gia đình có của ăn, của để mà không lo đói nữa”, anh Sùng Văn Cấu, xã Trung Lý phấn khởi nói.
Hướng dẫn theo cách "Cầm tay chỉ việc"
Cũng với phương châm “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, Ban Chỉ huy ĐBP Pù Nhi, đứng chân trên địa bàn xã Pù Nhi (huyện Mường Lát), đã tập trung tăng gia sản xuất, kết hợp với việc xây dựng mô hình cụ thể để đồng bào dễ học hỏi và làm theo.
Điển hình như, với sự phối hợp của chính quyền địa phương và Hội nông dân huyện Mường Lát về kỹ thuật và giống ngô lai mới, cán bộ, chiến sĩ ĐBP Pù Nhi đã thí điểm gieo trồng giống ngô lai, sản xuất 1 năm 2 vụ. Kết quả, năng suất, sản lượng đạt cao, 2 - 3 tấn/ha. Trong khi trước đây, đồng bào chỉ trồng 1 vụ với năng suất rất thấp, rồi sau đó bỏ hoang vì cho rằng ngô không trồng trái mùa.
Bên cạnh việc trồng thử nghiệm giống ngô lai mới, Đồn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò lai sinh sản. Với số lượng ban đầu chưa đến chục con, nhưng với việc chủ động đưa giống cỏ voi về gieo trồng tại trang trại, đã tạo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn bò, vì thế tính đến nay, đàn bò đã phát triển lên tới gần 60 con, trong đó khoảng 20 con đã sinh sản.
Khi đã có kết quả, Đồn đã cử cán bộ xuống từng thôn, bản, phối hợp với cán bộ xã tuyên truyền, vận động bà con đến xem mô hình trồng ngô. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ đã hướng dẫn lại kỹ thuật để bà con học làm theo. Bởi vậy, hầu hết bà con, già làng, trưởng bản không chỉ đến xem mà còn trực tiếp tham gia trồng ngô cùng Bộ đội. Sau 4 tháng sau gieo trồng, năng suất ngô thu hoạch gấp 3 lần so với giống cũ, cách thức gieo trồng cũ của đồng bào.
Từ cách làm, cách hướng dẫn phù hợp với năng lực, trình độ sản xuất, bà con nơi đây dần thay đổi tư duy trong sản xuất, tạo được những kết quả đáng kể trong sản xuất, chăn nuôi. Từ chỗ cấy lúa một vụ/năm đến nay, xã Pù Nhi đã có 500ha diện tích trồng lúa nước; 500ha diện tích trồng ngô lai hai vụ, cho sản lượng gần 1.000 tấn mỗi năm. Từ mô hình phát triển bò lai sinh sản của ĐBP đã nhân rộng ra địa bàn, đến nay, tổng số đàn bò của xã Pù Nhi đang có trên 3.200 con, nhiều hộ có đàn bò 15 - 20 con.
Ngoài huyện Mường Lát, trong những năm qua, lực lượng Biên phòng trên tuyến biên giới của tỉnh Thanh Hóa, cũng đang tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn đóng quân, đem lại hiệu quả cao, như: Mô hình trồng lúa nước 2 vụ ở các xã Tam Thanh, Na Mèo (Quan Sơn), Hiền Kiệt (Quan Hóa); mô hình trồng ngô lai 2 vụ tại xã Pù Nhi và chăn nuôi lợn tại xã Tam Chung, xã Quang Chiểu (Mường Lát), mô hình nuôi cá tầm ở ĐBP Bát Mọt (Thường Xuân)...
Các mô hình sản xuất được triển khai tại các bản làng, đã giúp bà con biết ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.