Chúng tôi đến Chốt liên ngành lưu vực lòng hồ Cần Đơn thuộc Tiểu khu 52, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, phạm vị quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai (BQLRPH) trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước. Chốt được dựng bằng gỗ, lợp tôn nằm ven sông là nơi che mưa, che nắng sau những giờ tuần tra, bảo vệ rừng của các kiểm lâm viên.
Những năm qua, đơn vị đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, cùng các hộ dân ký cam kết không phá rừng nên từng tấc đất, cây rừng không còn bị xâm chiếm, chặt phá.
Kiểm lâm viên Tạ Đình Trung đã có 36 năm công tác trong ngành Lâm nghiệp cho biết, ông ít về nhà, phần lớn thời gian ở rừng, ăn uống, ngủ nghỉ tại chốt cùng 3 kiểm lâm viên khác để bảo vệ rừng đầu nguồn dọc theo tuyến sông Đắk Huýt. Cuộc sống quẩn quanh trong rừng, hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài, ít người qua lại, sóng điện thoại chập chờn lúc có lúc không, gạo, nước mắm, muối nhiều khi thiếu thốn. Nhưng ông và đồng đội đã khắc phục mọi khó khăn, làm tốt nhiệm vụ giữ rừng.
Một trong những người đồng hành, tham gia giữ rừng cùng cán bộ BQLRPH Đắk Mai từ năm 2008 là anh Điểu Sa Riu, dân tộc Xtiêng, ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. Chia sẻ với chúng tôi, anh Sa Riu cho biết: “Mình rất vui vì đồng bào Xtiêng, Mnông ngày nay không phá rừng nữa. Tôi có đứa con trai cũng yêu rừng, đã thi đậu vào ngành Kiểm lâm rồi trở về sát cánh cùng bà con và cán bộ kiểm lâm giữ rừng”.
Theo chân các kiểm lâm viên của Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập, chúng tôi tiến sâu vào trong rừng. Từng vạt rừng nguyên sinh bạt ngàn hiện ra trước mắt với nhiều loại gỗ lớn, có cây cao 30m, vài người ôm không xuể. Hỏi ra mới biết, đây là khu vực có 10 cộng đồng hơn 620 hộ, đa số là người đồng bào dân tộc Xtiêng, Mnông thuộc xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước và xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông nhận giao khoán quản lý, bảo vệ 19.000ha rừng. Nhờ rừng mà cuộc sống của bà con ổn định hơn so với trước đây.
Ông Điểu Tơn, thành viên Tổ nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập cho biết: “Tổ nhận khoán nhà mình có 36 người, mỗi ngày chia thành 3 ca trực, bảo vệ hơn 2.000ha rừng. Ngoài giờ tuần tra, bà con còn đi nhặt điều, cạo mủ cao su, thu nhập trung bình hơn 10 triệu đồng/tháng nên không lo đói ăn, thiếu gạo”.
Rừng cho lộc nuôi sống đồng bào
Nhìn những vạt rừng nguyên sinh xanh tốt đang vươn lên mạnh mẽ, ông Điểu Tơn chia sẻ thêm, rừng cho lộc nuôi sống người Xtiêng nên phải quý trọng rừng, khi tuần tra, kiểm soát, ngoài tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ rừng, động vật hoang dã, tổ nhiều lần phát hiện bắt giữ các đối tượng vào rừng săn, bẫy bắt thú, phá rừng trái phép giao cho lãnh đạo vườn xử lý.
VQG Bù Gia Mập có 1.117 loài thực vật với nhiều cây họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, trầm hương, kim giao, 278 giống cây dùng làm thuốc, động vật có hơn 400 loài, trong đó có 30 loài được ghi trong sách đỏ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 12 của Việt Nam.
Còn theo ông Điểu Long, thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, 15 tuổi, ông đã phải vào rừng kiếm sống, từ săn bắt thú rừng đến lấy cắp lâm sản rồi chuyển sang phá rừng làm rẫy. Sau nhiều năm làm “lâm tặc”, ông giật mình tỉnh ngộ khi nhìn thấy rừng bị tàn phá, cuộc sống của bà con ngày càng khó khăn và suy nghĩ “mỗi người phá 1 cây, 1.000 người sẽ mất 1.000 cây thì rừng không còn”.
Năm 2006, ông Điểu Long xin đi bảo vệ rừng để trả nợ cho rừng, thu nhập bình quân từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng, mỗi quý nhận một lần từ 8 - 10 triệu đồng, ông cũng vận động đồng bào Xtiêng từ bỏ tập quán đốt rừng làm nương rẫy, săn bắt thú rừng để không mắc tội với rừng.
Ông Hoàng Anh Tuân, Phó Giám đốc VQG Bù Gia Mập thông tin: VQG rộng trên 25.600ha, được xem là “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho các hồ chứa nước của các công trình thủy điện Thác Mơ, Sork Phu Miêng, Cần Đơn. Hơn 22 năm qua, cán bộ, nhân viên và lực lượng Kiểm lâm của đơn vị đã vượt qua nhiều khó khăn để bảo vệ rừng của VQG, nhờ đó các vụ khai thác lâm sản, săn bắn động vật hoang dã giảm hẳn. Đặc biệt, từ khi thành lập, vườn không xảy ra vụ phá rừng làm nương rẫy trong lâm phần, chặn đứng tình trạng lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nguyên vẹn.