Nơi địa đầu Tổ quốc, Cao Bằng được ví như “miền cổ tích”. Bởi trên mỗi dãy núi, dòng sông, vùng dân cư, danh lam thắng cảnh đều gắn với tinh hoa văn hóa, lịch sử của vùng đất cổ; được bảo tồn, gìn giữ và đang hiện hữu trong đời sống hằng ngày của đồng bào các dân tộc.
Chiều rộng đa sắc màu
Cao Bằng là một trong những tỉnh thuộc Chiến khu Việt Bắc xưa (cùng với Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lạng Sơn). Các tỉnh chiến khu Việt Bắc có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội; có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Lục tỉnh chiến khu xưa cũng là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa đa sắc màu đồng bào các DTTS; với các phong tục, tập quán, lễ hội, văn hóa dân gian độc đáo. Đây là tiềm năng, lợi thế để các địa phương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong tiềm năng chung đó, Cao Bằng có những lợi thế so sánh riêng. Điều này đã được ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chia sẻ tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024, được tổ chức tại Cao Bằng ngày 12/9.
Trước khoảng 800 đại biểu trong nước và quốc tế dự Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh tự hào cho biết: Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh cùng kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, các di sản địa chất độc đáo có giá trị. Trong đó có 102 di tích được xếp hạng (03 di tích Quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp Quốc gia, 73 di tích cấp tỉnh), 02 bảo vật Quốc gia; hơn 2.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được tư liệu hoá, trong đó có 07 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là nơi lưu giữ những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi trên 500 triệu năm của Trái Đất. Hoạt động địa chất qua hàng trăm triệu năm đã kiến tạo nên dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức độc đáo, đa dạng, cùng với hệ thống hang động, sông ngòi phong phú.
“Trong đó nổi bật là Thác Bản Giốc được các hãng thông tấn, báo chí thế giới vinh danh là một trong 4 thác nước lớn trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia; là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và là thác nước nằm trong top 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới”, ông Ánh cho biết.
Nét riêng của Cao Bằng còn được tô điểm bởi nền văn hoá đa dạng, phong phú với sự giao hòa bản sắc của nhiều dân tộc anh em. Với gần 95% dân số là đồng bào DTTS thuộc 35 thành phần dân tộc anh em, Cao Bằng hấp dẫn du khách bởi những nét sinh hoạt văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc không nơi nào có được. Mỗi dân tộc sinh sống ở Cao Bằng đều có những di sản văn hóa truyền thống độc đáo của riêng mình, thể hiện rõ trên trang phục, lễ hội, tín ngưỡng...
Chiều sâu văn hóa
Những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào các DTTS tỉnh Cao Bằng luôn được gìn giữ và đang hiện hữu trong đời sống hằng ngày của đồng bào các dân tộc. Cùng với những di sản văn hóa vật thể, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đã hòa quện, làm nên chiều sâu của nền văn hóa đậm đà bản sắc ở vùng đất cổ.
Ở bề nổi, Cao Bằng là miền đất của lễ hội. Lễ hội của đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng nhìn chung đều nhằm cầu trời ban điều an lành cho dân bản, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia súc không bị dịch bệnh, đời sống ấm no, hạnh phúc. Mỗi lễ hội đều có những nét độc đáo riêng, gắn liền với bản sắc văn hóa từng địa phương, từng dân tộc, là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu của người dân nơi đây.
Là người con dân tộc Tày, lại công tác trong lĩnh vực công tác dân tộc nhiều năm, ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng am hiểu sâu sắc bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Theo ông Hùng, cùng với lễ hội thì trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh không thể thiếu những làn điệu dân ca, dân vũ. Mỗi dân tộc, mỗi địa phương lại có những loại hình văn nghệ dân gian đặc trưng riêng.
“Về dân ca, người Tày có lượn, gồm: Lượn slương, Lượn cọi, Lượn ngạn, hát Then - đàn tính; người Nùng có Lượn phủ, Lượn tại, Lượn Hèo phưn Nùng An, Sli giang, Nàng ới...; người Dao có Páo dung. Về múa, người Tày có múa Sluông, múa chầu; người Nùng có múa quạt, múa khăn; người Dao có múa chuông, múa trống; người Mông múa ô, múa khèn...”, ông Hùng chia sẻ.
Đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng còn được nuôi dưỡng, bồi đắp từ những truyền thuyết, cổ tích gắn liền với thế giới quan của người xưa. Có thể kể đến như: Truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) kể về quá trình hình thành nhà nước Nam Cương của Thục Chế và con trai là Thục Phán - người sau này cũng trở thành vua của nhà nước hợp nhất Âu Lạc (thế kỷ III trước Công nguyên) và dời đô xuống Cổ Loa (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội); truyền thuyết Báo Luông - Slao Cải giải thích nguồn gốc vũ trụ, con người và các hiện tượng thiên nhiên, xã hội;...
Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Cao Bằng đã góp phần đưa Cao Bằng trở thành miền di sản. Trên mỗi dãy núi, dòng sông, vùng dân cư, danh lam thắng cảnh đều gắn với tinh hoa văn hóa, lịch sử của vùng đất cổ.
Đây là tài sản vô giá của các thế hệ cha ông để lại cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, là hồn cốt của nền văn hóa dân tộc; đồng thời vừa là nguồn lực, vừa là động lực để phát triển du lịch. Điều này đòi hỏi tỉnh Cao Bằng cần có những giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản; bởi quá trình tiếp biến văn hóa, bên cạnh những mặt tích cực thì cũng đã phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực, tiềm ẩn nguy cơ mai một bản sắc.
Bài 2: Tiếp biến văn hóa – Trong “cơ” có “nguy”