Một trong những chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS được triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn huyện Đồng Hỷ thời gian qua là Chương trình 135.
Xóm Thịnh Đức 2, xã Văn Hán là 1 trong 54 xóm của huyện được Chương trình 135 đầu tư, hỗ trợ nên đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Nhờ có các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước (như đầu tư làm đường bê tông liên xóm; hỗ trợ mua giống cây trồng, phân bón, nông cụ sản xuất…) nên bà con đã có thêm điều kiện phát triển sản xuất, đời sống từng bước được nâng lên. Nếu như năm 2016, trong xóm có 51 hộ nghèo, chiếm 42,5% số hộ thì đến cuối năm 2017, hộ nghèo chỉ còn 33 hộ, chiếm 27,5% tổng số hộ trong xóm. Hiện nay, trên 98% các gia đình có xe máy đi lại, 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn...
Gia đình ông Hứa Văn Thập là 1 trong 10 hộ mới thoát nghèo năm 2017 của xóm Thịnh Đức 2. Ông Thập vui vẻ chia sẻ: Gia đình tôi được tham gia các lớp tập huấn trồng và sản xuất chè; chăm sóc lúa lai và được hỗ trợ mua máy vò chè phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được vay 20 triệu đồng từ các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư mở rộng diện tích chè và nuôi thêm gà thả vườn vào năm 2016. Hiện tại, thu nhập của gia đình tôi từ lúa, chè và chăn nuôi đạt khoảng 40 triệu đồng/năm, thoát được nghèo.
Cùng với người dân ở xóm Thịnh Đức 2, nhờ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của đồng bào DTTS ở huyện Đồng Hỷ cũng đang dần được nâng lên. Ngoài Chương trình 135, nhiều chương trình, chính sách khác như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, già làng, trưởng xóm; chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS; chính sách cho vay vốn, nhà ở, đất sản xuất… cũng được triển khai nhằm tiếp thêm sức cho đồng bào nâng cao đời sống.
Qua việc triển khai có hiệu quả các chính sách trên, đến nay, đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu cây trồng vật nuôi dần chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng được nhân rộng đã góp phần làm tăng thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống đáng kể.
Nếu như năm 2016, số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều là 8.292 hộ thì đến năm 2017 giảm xuống còn 7.988 hộ. Ông Phạm Quang Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian tới, để tiếp tục nâng cao đời sống cho đồng bào người DTTS trên địa bàn, huyện sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xóm, xã đặc biệt khó khăn để giảm bền vững tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; phát huy nội lực, tinh thần tự lực của đồng bào các dân tộc. Đồng thời tranh thủ tối đa sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và sự giúp đỡ của các doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
HỒNG VÂN - THU HÀ