Diễn biến phức tạpTheo số liệu được đưa ra tại Hội nghị về việc giải quyết người di cư tự do và kết hôn không giá thú tại các địa phương khu vực biên giới Việt Nam và Lào (tổ chức giữa năm 2017), hiện có 198 người Lào di cư và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới tỉnh Nghệ An; 589 hộ/3.801 khẩu người Việt Nam di cư và kết hôn không giá thú tại địa bàn các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bôlykhămxay (Lào). Trong đó, di cư sang tỉnh Hủa Phăn 20 hộ, 163 khẩu; di cư sang tỉnh Xiêng Khoảng 82 hộ, 526 khẩu; di cư sang tỉnh Bôlykhămxay 487 hộ, 3.112 khẩu.
Cũng như Nghệ An, tại 18 xã thuộc hai huyện Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) đang xảy ra tình trạng di cư tự do và hôn nhân ngoài giá thú.
Theo thống kê của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn hiện có 314 trường hợp kết hôn không giá thú,108 hộ/520 nhân khẩu di cư tự do. Trong đó, xã A Dơi (Hướng Hóa) và ở xã A Vao (Đakrông) là hai địa phương có số lượng di cư tự do và hôn nhân không giá thú nhiều nhất tỉnh.
Còn tại Quảng Nam, theo số liệu của Sở Ngoại vụ tỉnh, trên địa bàn có khoảng hơn 170 hộ với trên 500 khẩu người Lào di cư tự do sang địa bàn tỉnh Quảng Nam và khoảng 50 hộ kết hôn không giá thú giữa người Lào và Việt Nam. Trong đó, huyện Nam Giang, hiện có 11 trường hợp người Lào kết hôn không giá thú với người Việt Nam, sinh sống ở các xã Đắc Tôi, Đắc Pre, La Êê và thị trấn Thạnh Mỹ; 7 trường hợp người Lào di cư tự do sinh sống tại xã Đắc Tôi. Còn ở huyện Tây Giang hiện có 11 trường hợp người Lào kết hôn không giá thú với người Việt Nam, thuộc địa bàn các xã biên giới A Xan, Ch’Ơm và Ga Ry…
Khó hoàn thành mục tiêu đề raQua điều tra, khảo sát cho thấy, phần lớn các hộ dân di cư tự do và hôn nhân không giá thú hiện sinh sống ở các xã biên giới Việt-Lào đều rất khó khăn do không có hộ khẩu, thiếu đất sản xuất, việc học tập của con em gặp nhiều trở ngại do thiếu các loại giấy tờ cần thiết…
Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thực hiện “Thoả thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước” (theo Quyết định số 2627/QĐ-TTg, ngày 31/12/2013). Thời gian thực hiện Đề án đến hết năm 2016.
Nhưng tình trạng di cư tự do, hôn nhân không giá thú vẫn diễn biến phức tạp nên ngày 03/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 133/QĐ-TTg gia hạn thời gian đến ngày 14/11/2019. Tuy nhiên, khảo sát tại một số địa phương, việc thực hiện Đề án đang gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là tình trạng một số người Việt Nam di cư sang Lào sinh sống, sau đó quay trở lại Việt Nam nhưng hiện nay trong hồ sơ lưu trữ của địa phương không có nên không thể xác định là người Việt Nam, nhưng cũng không thể đưa vào danh sách người Lào di cư sang Việt Nam.
Hơn nữa, nhiều trường hợp đối tượng kết hôn hai bên biên giới chưa đủ tuổi (tảo hôn), UBND xã không cấp giấy chứng nhận kết hôn, nhưng họ vẫn chung sống với nhau như vợ chồng, sau đó sinh con và làm thủ tục khai sinh, cán bộ Tư pháp xã ghi vào giấy khai sinh của những đứa trẻ này thông tin về bố mẹ thiếu chính xác. Ngoài ra, trong quá trình lấy lời khai có một số hộ gia đình khai thiếu trung thực, có người đã lấy vợ lập gia đình ở Lào nhưng về Việt Nam lấy vợ khác, cần xác minh lại nước bạn Lào...
Đây chính là những “điểm nghẽn” trong việc thực hiện Đề án giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước. Để hoàn thành Đề án đúng thời hạn thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan trong tỉnh và phía nước bạn Lào.
Qua điều tra, khảo sát cho thấy, phần lớn các hộ dân di cư tự do và hôn nhân không giá thú hiện sinh sống ở các xã biên giới Việt-Lào đều rất khó khăn do không có hộ khẩu, thiếu đất sản xuất, việc học tập của con em gặp nhiều trở ngại do thiếu các loại giấy tờ cần thiết…
SỸ HÀO