Ông Hoàng Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Dân tộc: “Cần tăng cường các hội thảo quốc tế tại địa phương”.
Để Đề án 2214 tiếp tục phát huy hiệu quả, Chính phủ nên cho phép Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội nghị, hội chợ tại các địa phương. Đó chính là cầu nối giữa các tổ chức quốc tế với các địa phương nhằm thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức
quốc tế trong và ngoài nước vào vùng DTTS và miền núi.
Đồng thời, chúng tôi mong muốn Đề án sẽ chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực hợp tác quốc tế, kỹ năng vận động, đàm phán, xây dựng và quán lý dự án quốc tế cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc của địa phương. Chính phủ nên ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước cho vùng DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa thực hiện Đề án 2214 trong giai đoạn tiếp theo (2018-2020).
Đề nghị Bộ Ngoại giao, Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần tăng cường chia sẻ thông tin với địa phương có đông đồng bào DTTS và miền núi sinh sống; tích cực giới thiệu các tổ chức phi chính phủ có tiềm lực về tài chính để tiếp xúc và vận động viện trợ; cung cấp thông tin về các khu vực còn khó khăn, cũng như định hướng về lĩnh vực ưu tiên vận động cho các nhà tài trợ quốc tế.
Ông Nguyễn Duy Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai: “Mở rộng đối tượng hợp tác”.
Nhằm thực hiện tốt Đề án 2214, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp trong tỉnh về hội nhập, hợp tác quốc tế. Trên cơ sở đó, làm rõ các yêu cầu nhiệm vụ của công tác đối ngoại, trọng tâm là tăng cường nguồn viện trợ trên cơ sở phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Tỉnh cũng sẽ duy trì các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế truyền thống như WB, ADB,AFD, JICA, UNICEF… Đồng thời, tích cực tiếp cận phát triển quan hệ với các đối tác mới thông qua các bộ, ngành Trung ương và Ban Điều phối nhân dân để đa dạng hóa hình thức hợp tác, với phương châm hiệu quả, thực chất trong các quan hệ hợp tác, đảm bảo tính thiết thực khả thi và đi vào chiều sâu.
Thông qua Bộ Ngoại giao và Ban Điều phối nhân dân tỉnh sẽ tích cực chủ động thúc đẩy, mở rộng quan hệ và trao đổi, tiếp xúc với các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức phát triển nước ngoài tại Việt Nam nhằm tranh thủ sự hợp tác, vận động nguồn lực đầu tư phát triển của tỉnh, tập trung vào các địa bàn huyện ĐBKK vùng có đông đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, tỉnh mong muốn tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp làm công tác đối ngoại tại các cơ quan đầu mối của tỉnh. Có như vậy, mới xây dựng được bộ máy tham mưu, chuyên trách các hoạt động đối ngoại, xúc tiến vận động viện trợ nước ngoài hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS ngày càng vững mạnh, chuyên nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng nề, phức tạp trong thời kỳ mới hiện nay.
Ông Tô Ngọc Anh, cố vấn cấp cao về Phát triển bền vững, Đại sứ quán Ai Len ở Việt Nam: “Cần đẩy mạnh tốc độ giải ngân”.
Từ các dự án của các tổ chức chính phủ do Ai Len hỗ trợ cho thấy, năng lực các cấp xã ở các địa phương có sự khác biệt và các địa phương có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Ủy ban Dân tộc cần tích cực làm đầu mối để cùng chia sẻ kinh nghiệm cách thức quản lý này để các địa phương có thể giao lưu học hỏi.
Sự tham gia tích cực của cộng đồng cũng cần được khuyến khích mạnh mẽ trong các hoạt động đề xuất lựa chọn, thiết kế, xây dựng vận hành và bảo trì các công trình cơ sở hạ tầng. Có như vậy, các dự án mới đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.
Chúng tôi hy vọng rằng, nguồn vốn của Ai Len được phân bổ tới các tỉnh, huyện và xã càng sớm càng tốt để đảm bảo việc triển khai có hiệu quả, với sự tham gia đầy đủ của người dân và đảm bảo minh bạch.
HIẾU ANH