Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) nêu rõ, thời gian qua, tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với mức độ phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất người dân trong vùng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá về công tác dự báo, dự phòng đối với vấn đề trên thời gian qua. Đồng thời cho biết giải pháp ổn định môi trường sống khu vực này trong thời gian tới như thế nào?
Đại biểu cho rằng công tác dự báo, dự phòng là một vấn đề hết sức quan trọng nhằm chủ động ứng phó kịp thời các biến động do ảnh hưởng của thiên tai. Do đó, đại biểu rất mong Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm tới vấn đề này.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) cho biết, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt, nhất là tại khu vực ĐBSCL. Nhiều giải pháp công trình và phi công trình đã được thực hiện nhưng diễn biến đang ngày càng cực đoan, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên?
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn đến tình hình sạt lở của khu vực ĐBSCL cũng như miền núi phía Bắc.
Để khắc phục và giảm thiểu tối đa tình trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đánh giá về trữ lượng của cát, sỏi lòng sông ở khu vực ĐBSCL để từ đó biết rõ được trữ lượng khai thác ở các vùng như thế nào. Mặt khác, hiện nay, các địa phương đều đã có quy hoạch nên cần có sự rà soát, sắp xếp lại dân cư, những vùng có nguy cơ bị sạt lở ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Những nơi nào có nguy cơ cao về sạt lở thì phải bố trí lại dân cư.
Ngoài ra, cần có quy định và xử lý nghiêm việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông. Cuối cùng là phải nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo về tình hình sạt lở đất.
Bộ trưởng cũng thống nhất với vấn đề đại biểu nêu, trong đó cần tăng cường công tác dự báo. Bộ cũng chỉ đạo cơ quan trực thuộc nâng cấp trang thiết bị, phối hợp với các tổ chức quốc tế tăng cường năng lực dự báo và hiện đã tiếp cận với trình độ quốc tế. Điển hình như công tác dự báo hạn mặn được triển khai hiệu quả, cung cấp các bản tin thủy văn, cung cấp các bản tin cảnh báo thường xuyên theo chu kỳ 10 ngày, 1 tháng và theo mùa.
Về vấn đề xâm nhập mặn, Bộ trưởng nêu rõ, với tác động của biến đổi khí hậu, ĐBSCL bị tình trạng xâm nhập mặn sâu, dự báo trong thời gian tới, việc lưu lượng nước hạn chế, tình trạng xâm nhập mặn sẽ còn cực đoan hơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính đến phương án thích ứng với biến đổi khí hậu bằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ví dụ từ sản xuất nuôi trồng ngọt, chuyển sang sản xuất nuôi trồng lợ; có các giải pháp công trình đồng bộ thủy lợi, cố gắng giữ nước ngọt. Nội dung này, Bộ sẽ có văn bản để trả lời, phân tích, đánh giá đầy đủ hơn tới các đại biểu.
Bộ trưởng cũng cho biết, đối với các đối tượng yếu thế, do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán, những người như phụ nữ, trẻ em, người già sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Từ đó có các tác động đến kinh tế gia đình, sinh hoạt. Do đó, chúng ta phải đặc biệt quan tâm và ưu tiên những đối tượng này.
Đối với vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cũng nhận định tình trạng sạt lở đang diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến thị sát và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình đề án tổng thể về vấn đề này, dự kiến đến tháng 9 tới, Bộ sẽ trình đề án trong đó, tiếp cận một cách tổng thể hơn, chiến lược hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn. Bộ cũng tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; tổ chức diễn đàn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì gặp gỡ lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học của 13 tỉnh ĐBSCL nghe thêm ý kiến của chuyên gia về vấn đề này.
Về các giải pháp trước mắt hạn chế xâm nhập mặn, trữ ngọt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư cho ĐBSCL, nhất là các công trình có độ phủ rộng, nhiều người dân hưởng lợi.