Bài 2: Hy vọng từ Đề án Tổng thể
Theo kết quả điều tra, cả nước có hơn 300.000 thanh niên nông thôn thiếu việc làm, trong đó tỷ lệ ở khu vực đồng bào DTTS cao gấp 3,3 lần mức chung của cả nước. Một trong những nguyên nhân của tình trạng thất nghiệp trong thanh niên DTTS là do việc bỏ học từ ngay trên ghế nhà trường, dẫn đến thiếu kỹ năng, kiến thức, định hướng tương lai mờ mịt.
Thời gian qua, để hạn chế tình trạng bỏ học của học sinh nói chung, học sinh DTTS nói riêng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh cùng có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục học sinh. Ngành Giáo dục đã tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát, nghiên cứu thực trạng, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn phù hợp với đặc thù vùng, miền, kinh tế, văn hóa của từng địa phương, cơ sở giáo dục…
Tại Hội thảo tham vấn báo cáo “Tình trạng bỏ học của trẻ em DTTS cấp THCS giai đoạn 2016 - 2019” do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức tháng 1/2020, các chuyên gia khuyến nghị nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này, như: Đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động; đổi mới phương pháp dạy học; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương trong việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục học sinh; làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh…
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu đánh giá, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục vùng DTTS và miền núi, tuy nhiên ông Giàng A Chu cho rằng, tình hình học sinh DTTS cấp THCS bỏ học vẫn còn là vấn đề nan giải, đáng được quan tâm.
Để hạn chế tình trạng học sinh DTTS cấp THCS bỏ học, ông Giàng A Chu cho rằng, cần thực hiện tốt tiểu dự án về giáo dục nằm trong Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Quốc hội thông qua. Các chính sách giáo dục vùng DTTS và miền núi thời gian tới phải đổi mới. Tập trung rà soát lại mạng lưới, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học, tăng cường thêm trách nhiệm của các nhà trường. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh DTTS…
Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học THCS trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS… Một trong những giải pháp đặt ra của Đề án, trong đó có phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện tốt mục tiêu đặt ra của Đề án sẽ góp phần hạn chế tình trạng học sinh DTTS bỏ học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS.
Có thể thấy rằng, để giải quyết tình trạng học sinh DTTS bỏ học cần sự vào cuộc của hệ thống chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội. Rất cần sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục, chăm sóc học sinh DTTS để cùng xây dựng môi trường học tập tốt, thân thiện, an toàn cho các em…