Cô Lê Thị Xuyến, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quyết Thắng (TP. Lai Châu) đã có nhiều năm gắn bó với công tác giáo dục ở vùng cao. Cô không thể nhớ đã bao lần lặn lội cùng đồng nghiệp đi tới từng bản vận động học sinh đến lớp. Cô Xuyến tâm sự: “Không giống như ở các trung tâm thành phố lớn, việc dạy học trên vùng cao gặp rất nhiều khó khăn, các thầy cô phải “dỗ” học sinh đến trường. Công tác vận động cũng gặp nhiều trường hợp “dở khóc dở cười”. Nói nhẹ thì bà con cũng chẳng để ý mà nói nặng lời thì bà con tự ái, không chịu nghe lời thầy cô”.
Cô Xuyến cho biết, toàn trường có 378 học sinh, trong đó hơn 90% là học sinh DTTS (Mông, Giáy, Dao,… ), thì có 201 em sinh hoạt bán trú tại trường, nhiều em cư trú tại những xã vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, giao thông đi lại cách trở, nhà cách trường 80km. Trong khi, trường chỉ thực hiện chế độ bán trú nên các em phải đi về trong ngày. Khi ở lại trường, các em được bố trí sinh hoạt tại 25 phòng bán trú, được hỗ trợ 15kg gạo/tháng; mỗi tháng còn được cấp chi phí học tập bằng 40% mức lương cơ bản.
Tuy nhiên, theo cô Xuyến, năm nào cũng vậy, nhà trường luôn canh cánh nỗi lo học sinh bỏ học, nhất là dịp sau Tết Nguyên đán.
Với phương châm “không để học sinh bỏ học rồi mới đi vận động trở lại trường”, các thầy cô giáo đã xây dựng kế hoạch vận động, nhắc nhở học sinh đến trường đúng thời gian; chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, trưởng bản, các tổ chức đoàn thể của xã, thôn, nhắc nhở các em trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhờ đó, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, một số học sinh có ý định bỏ học đã trở lại trường.
Em Vừ A Sênh, học sinh lớp 12C2 là một ví dụ. Nhà ở xã Căn Tỷ cách trường hơn 50 km, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, bố mẹ chủ yếu lên nương làm rẫy. Sau kỳ nghỉ Tết, nghe theo lời bố mẹ, Sênh cưới vợ và có ý định nghỉ học luôn. May nhờ giáo viên chủ nhiệm lớp kịp thời đến vận động, em mới bỏ ý định này, tiếp tục đến trường.
“Khó khăn lớn nhất vẫn là những phong tục tập quán dựng vợ gả chồng cho con sớm, cùng với đó là đa số phụ huynh lại không biết tiếng phổ thông nên khó trao đổi, nói chuyện. Đặc biệt, phần lớn các ông bố, bà mẹ đều không mấy quan tâm đến việc học hành của con em mình và cho rằng, chỉ cần biết cái chữ, đọc được cái số là được. Còn phía các em thì lại không ý thức được những lợi ích của việc học nên cứ bỏ ngang giữa chừng”, cô Phạm Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C2 chia sẻ.
Khó khăn như vậy nhưng với lòng yêu nghề, yêu học sinh, cô Huyền cũng như các thầy cô trong trường vẫn kiên trì vận động, chia sẻ, thuyết phục. Lớp 12C2 của cô Huyền sau Tết có 2 bạn học sinh nghỉ học để lấy vợ. Nhờ sự vận động kịp thời của giáo viên, các em đã trở lại trường học tập.
“Nếu đi vận động ban ngày không gặp được các em và phụ huynh thì tôi sẽ đi vào buổi tối, vận động 1 lần không được thì tiếp tục vận động lần 2, lần 3 khó mấy cũng phải làm...”, cô Huyền tâm sự.
Những nỗ lực trong việc “gieo” con chữ cho học sinh vùng cao của tập thể giáo viên Trường THPT Quyết Thắng đã được bù đắp xứng đáng khi năm học 2018-2019 toàn trường không còn học sinh bỏ học, số học sinh yếu kém hiện chỉ còn 4% giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Số học sinh khá giỏi tăng từ 42,5% đến 43%.
HOÀI DƯƠNG