Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có 90km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia. Khu vực biên giới của tỉnh hiện có 7 xã của 3 huyện biên giới, với tổng dân số gần 50.000 người thuộc 20 dân tộc anh em sinh sống.
Để triển khai nhiệm vụ nhằm bảo đảm các mục tiêu đã được đưa ra tại Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 2/3/2022 của Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung xây dựng các giải pháp để thực hiện mục tiêu của kế hoạch này đồng thời tuyên truyền rộng rãi nội dung Nghị quyết số 23/NQ-CP của Chính phủ; tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới mà chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia đã ký kết.
Trên cơ sở chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước làm tốt công tác đối ngoại, ngoại giao nhân dân khu vực biên giới; củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân hai nước. Cụ thể: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương kịp thời tổng hợp, báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, ban hành mới các cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh khu vực biên giới; bảo đảm phù hợp, khuyến khích mọi nguồn lực xã hội tham gia...
Đồng thời, giao các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch này; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo quy định; tổng hợp, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện hàng năm gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh.