Lễ Mừng năm mới còn được gọi là lễ Kcham - Atâu, diễn ra trước khi khởi đầu vụ mùa mới đầu tiên trong năm, trước khi xuống giống trồng tỉa, nhằm cầu xin các vị thần, ông trời phù hộ cho dân làng năm mới mạnh khỏe, hòa thuận, đoàn kết, mưa thuận gió hòa, mùa màng đạt năng suất, bội thu.
Đây là nghi lễ rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Ba Na. Nghi lễ này còn là dịp để dân làng xin Yang (Trời, Thần linh) ban cho người dân trong cộng đồng được mạnh khỏe, không bị bệnh tật quấy nhiễu, để rắn rỏi đôi chân lên nương, lên rẫy. Đây là phong tục độc đáo của người Ba Na, cũng là dịp để những thành viên trong cộng đồng sum họp, thêm gắn kết.
Theo nghi thức truyền thống, Lễ Mừng năm mới diễn ra trong 2 ngày. Ngày thứ nhất, làng tổ chức cúng Yàng trong nhà rông. Lễ vật gồm 3 ghè rượu, 3 con gà, 2 con heo. Ngày thứ 2 làm lễ cúng chính thức, lễ vật gồm 3 ghè rượu, 3 con gà, 2 con heo lớn, 1 con heo nhỏ. Lễ cúng gồm 2 phần chính, diễn ra ngoài sân và trong nhà rông, do những người già trong làng thực hiện.
Trong làng của người Ba Na có các già làng, do một già làng đứng đầu hay do một hội đồng già làng đứng đầu. Bok kra là Người có uy tín với cộng đồng, được giao trọng trách hướng dẫn dân làng tiến hành trình tự lễ cúng.
Tại đây, họ cùng đồng thanh đọc lời khấn: Hỡi ông bà ở trên cao, ông, núi Kaking cao ngút ngàn, giữ gạo, nương rẫy, thần Sri ôm giữ núi Kông Pẽch bao đời nay. Hỡi nước trong xanh, cánh tay gây dựng nương rẫy, giữ vạn vật linh hồn của cây dưa, bông, bắp, lúa… Hôm nay chúng tôi cúng năm mới, kính mời ông bà trên cao, xuống ăn uống cùng, cầu ông bà trên cao luôn soi sáng đường cho chúng tôi có cuộc sống ấm no, bình an. Mời ông bà trên cao chung vui với dân làng. Bây giờ tôi gọi các Thần chỉ đường dẫn lối cho dân làng không làm phải chỗ đất xấu, chọn được chỗ đất tốt để làm ăn, sinh sống luôn suôn sẻ. Hôm nay chúng tôi cũng đang cúng năm mới để cầu mong tất cả dân làng được bình an, ấm no. Từ trẻ nhỏ đến người già, đừng để đau ốm, bệnh tật, đừng để chết chóc, xin hãy luôn theo dõi, đem lại cho chúng tôi có ăn, có uống, có của để dành quanh năm, suốt tháng…
Sau khi các nghi lễ hoàn tất, đội cồng chiêng cùng tấu lên những bài chiêng truyền thống tươi vui của dân làng.
Đối với cộng đồng dân tộc Ba Na, Lễ Mừng năm mới không chỉ thể hiện tấm lòng thành của dân làng đối với các thần linh, mà còn thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa các thành viên, tạo nên sức mạnh của cộng đồng, là sự giao hòa giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên và đáp ứng nhiều mong mỏi khác từ cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân từ xa xưa cho đến nay.
Lễ phục dựng "Lễ Mừng năm mới" nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của người Ba Na. Qua đó, thắt chặt tình đoàn kết giữa cộng đồng dân cư.
Việc phục dựng nghi thức, nghi lễ của đồng bào DTTS nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”; quảng bá, bảo tồn văn hóa đặc sắc của người đồng bào dân tộc Ba Na nói riêng và đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung.