Những nỗi đau thương tâm
Trong ngôi nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Thanh Hương ở xã Trà Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, phụ huynh em H.T.T, nạn nhân tử vong do đuối nước ngày 14/6 vừa qua tại xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông, Gia Lai) vẫn vương vấn những nỗi buồn. Chị Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: “Hôm 14/6 vừa rồi, hai cháu đi đá bóng, lúc này sân bóng không có ai nên hai cháu xuống hồ nghịch nước. Chẳng may một cháu trượt chân xuống, cháu còn lại ra cứu nhưng vì hồ sâu nên hai cháu lên không được rồi đi luôn. Các cháu thì không có kỹ năng bơi lội, cũng không biết cách xử lý để đảm bảo an toàn cho bản thân nên mới xảy ra sự việc trên”.
Cũng trong tháng 6, tại huyện Chư Pưh, gia đình anh T.V.H và chị T.V.K.H ở thôn Hòa An (thị trấn Nhơn Hòa) cũng trải qua nỗi đau tột cùng khi mất đi hai người con là cháu T.Đ.H (SN 2011) và T.T.H (SN 2013). Theo đó, ngày 23/6, hai người con của chị H. đi bộ tới nhà ông bà ngoại tại thôn Tao Klăh (xã Ia Roong, huyện Chư Pưh). Đến khoảng 15h chiều, hai cháu đi bộ về nhà. Tuy nhiên, chiều tối gia đình chị H. vẫn không thấy con về nên đã đến cơ quan công an để trình báo hai con bị mất tích. Tiếp nhận sự việc, công an huyện Chư Pưh đã phát đi thông báo tìm kiếm. Đến khoảng 11h, ngày 25/6, người dân trên địa bàn phát hiện thi thể hai cháu nổi tại 1 hồ nước thuộc cánh đồng thôn Plei Djiêk nằm gần quốc lộ 14. Qua xác minh ban đầu cho thấy hai cháu đã tử vong do đuối nước.
Hai vụ đuối nước liên tục xảy ra đã cướp đi tính mạng của 4 cháu bé chỉ trong vòng vài ngày. Theo thống kê của ngành chức năng, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 17 vụ đuối nước làm 22 trẻ em tử vong. Mặc dù số vụ đuối nước có giảm so với cùng kỳ năm 2021, nhưng số lượng trẻ em tử vong do đuối nước trong dịp hè lại tăng cao. Riêng trong tháng 6/2022, liên tiếp xảy ra 5 vụ đuối nước khiến 7 trẻ em tử vong.
Nỗ lực phòng chống đuối nước
Đuối nước vào dịp hè, mùa nắng nóng luôn là nỗi lo trong mỗi gia đình và toàn xã hội. Phần lớn trẻ em tử vong do thiếu các kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước và tự tìm đến vùng sông, suối, các hố sâu chơi đùa, nghịch nước mà không có sự giám sát của người lớn. Bên cạnh đó, môi trường sống xung quanh chưa an toàn cho trẻ em như gần sông, suối, ao, hồ,... Ngoài ra, việc phổ cập bơi trong trẻ em còn hạn chế, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn.
Nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ em bị đuối nước, tỉnh Gia Lai đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng giáo dục kỹ năng mềm để phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích cho trẻ em; đẩy mạnh phong trào toàn dân học bơi, phòng tránh đuối nước. Hướng đến mục tiêu sẽ có 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; giảm 10% số trẻ bị tử vong do đuối nước vào năm 2025.
Ông Võ Như Minh Quang, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết: “Nhằm hạn chế đuối nước cho trẻ em, Sở đã triển khai các mô hình gồm “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”. Các nơi có ao hồ, sông suối thì cắm biển cảnh báo. Nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến gia đình, toàn thể xã hội, nhận thức về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em cũng như phòng, chống đuối nước cho trẻ em”.
“Ngoài ra, các bậc phụ huynh trong khả năng của mình nên đưa trẻ đến những hồ bơi, các tổ chức mà có khả năng dạy bơi để cho con em mình vừa vui chơi, vừa học những kỹ năng bơi để tự bảo vệ cho chính mình, tránh những tai nạn thương tâm”, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết thêm.
Qua thống kê từ Sở Lao Động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, hiện toàn tỉnh Gia Lai có khoảng hơn 451.400 trẻ em dưới 16 tuổi nhưng số trẻ em biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, biết sử dụng áo phao là hơn 27 ngàn trẻ, con số này chỉ chiếm 6% trong tổng số trẻ em của tỉnh Gia Lai. Vì vậy, cùng với việc chăm sóc trẻ, việc nâng cao nhận thức, và dạy trẻ kỹ năng an toàn trong môi trường nước là một việc rất quan trọng trong việc bảo vệ trẻ tránh những tai nạn thương tích nhất là khi hè về. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng cần cảnh giác, theo dõi sát sao con em mình trong những ngày hè để đảm bảo các em có những ngày hè an toàn, vui chơi lành mạnh.