Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang trải qua giai đoạn 10 năm phát triển rực rỡ. Từ những ngày khái niệm TMĐT còn khá xa lạ với người tiêu dùng; giao diện, hiển thị sản phẩm, dịch vụ, gian hàng còn đơn giản; số lượng nhà bán hàng ứng dụng TMĐT chưa đa dạng và tốn nhiều công sức để có những đơn hàng đầu tiên, thì giờ đây, TMĐT ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Cùng với đó, thị trường TMĐT tại Việt Nam cũng đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường bao gồm: Dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.
Tuy nhiên cũng theo ông Đỗ Thắng Hải, bên cạnh những kết quả tích cực, TMĐT cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Bảo đảm nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics TMĐT còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến,...
Do vậy, từ 10 năm qua, Bộ Công Thương tổ chức Chương trình Online Friday với sứ mệnh đồng hành cùng thị trường TMĐT Việt Nam đã dẫn từng bước giải quyết các khó khăn, thách thức trong TMĐT.
Trong giai đoạn tiếp theo, Chương trình Online Friday thực hiện sứ mệnh: Giúp cho thị trường TMĐT Việt Nam phát triển bền vững - Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể trong hoạt động TMĐT.
Tại Hội nghị các đại biểu tham dự đã đề xuất các sáng kiến, giải pháp cụ thể để định hướng tổng thể phát triển TMĐT cũng như đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ số thúc đẩy hệ sinh thái phát triển TMĐT, bảo vệ người tiêu dùng và các chủ thể tham gia giao dịch trực tuyến.