Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 81,39 triệu ca mắc và hơn 997.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 3.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cố vấn y tế Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo rằng, trong vài tuần tới, số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ có thể gia tăng trở lại sau khi giảm dần trong thời gian gần đây. Phát biểu với hãng tin ABC News, Tiến sĩ Fauci nói: "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong vài tuần tới xu hướng giảm dần số ca mắc mới sẽ phần nào chững lại, thậm chí còn có thể gia tăng". Ông nêu rõ: "Liệu điều đó có dẫn đến một đợt tăng đột biến khác, hay có thể là một đợt tăng nhỏ hoặc trung bình hay không, những khả năng này vẫn chưa rõ ràng vì có rất nhiều diễn biến trong thời điểm hiện nay."
Tại Mỹ, số ca mắc mới COVID-19 đã giảm trong 2 tháng qua, với tỷ lệ phơi nhiễm mới ở mức hơn 30.000 ca/ngày. Dự báo của Tiến sĩ Fauci được đưa ra căn cứ vào trường hợp nước Anh, nơi những ca dương tính mới đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 19/3, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 516.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Từ 27/3 tới, Ấn Độ sẽ chính thức nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế sau 2 năm giới hạn hoạt động. Quyết định được đưa ra dựa trên tham khảo từ các chuyên gia, tốc độ tiêm chủng và độ phủ vaccine từ các nước trên thế giới. Du khách đến Ấn Độ vẫn phải có chứng nhận tiêm chủng, kết quả xét nghiệm PCR âm tính 72 giờ trước khi bay. Để thúc đẩy phục hồi ngành hàng không, các hãng cũng dự kiến tăng thêm chuyến bay phục vụ mùa du lịch hè. Giá vé sẽ giảm so với các thời điểm trước đó.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 656.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,57 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Tổng thống El Salvador, ông Nayib Bukele thông báo, nước này đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 4 cho người dân trên 12 tuổi và cả người nước ngoài bất kể tình trạng nhập cư. Nhà lãnh đạo El Salvador cho biết, việc tiêm chủng là hoàn toàn tự nguyện, người dân có thể tiêm mũi 4 cách mũi thứ 3 một khoảng thời gian là 90 ngày và không cần đăng ký trước.
El Salvador đã bãi bỏ yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và hồ sơ tiêm chủng đối với người nhập cảnh từ ngày 17/11/2021. Mới đây, nước này cũng nhập một lô thuốc kháng virus Molnupiravir để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trưởng thành có nguy cơ diễn biến nặng.
Theo số liệu chính thức, El Salvador đã ghi nhận gần 161.000 ca mắc COVID-19, trong đó trên 4.100 ca tử vong. Quốc gia với 6,7 triệu dân dự định tiêm chủng cho 5,7 triệu người và đến nay đã có 4,5 triệu người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong khi 4,4 triệu người đã được tiêm mũi 2 và 1,4 triệu người được tiêm mũi tăng cường. Hơn 30.000 người nước ngoài ở El Salvador đã được tiêm chủng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 ở châu Phi đã tăng khoảng 15%. Đây là kết quả đạt được sau khi một số quốc gia trong khu vực tổ chức các chiến dịch tiêm chủng đại trà. Theo số liệu ghi nhận, trong tháng 2 vừa qua, châu Phi đã triển khai tiêm tổng cộng 62 triệu liều vaccine, tăng so với 54 triệu liều trong tháng 1. Nhiều quốc gia đông dân như Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Kenya và Nigeria đã triển khai các chiến dịch tiêm chủng đại trà.
Theo thống kê, hiện châu Phi mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 15% số người trưởng thành. Khoảng 435 triệu vaccine trong tổng số 714 triệu liều nhận được, chiếm 61%, đã được tiêm cho người dân.
Hiện nay, một loạt các quốc gia Đông Nam Á đã và đang từng bước mở cửa trở lại biên giới, khôi phục kinh tế. Điều này có được là nhờ triển khai thành công các chiến dịch tiêm chủng. Mục tiêu tiếp theo của nhiều nước sẽ là tiến tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, sống chung với COVID-19 giống như bệnh cúm mùa. Các quốc gia kỳ vọng, những chiến dịch mở cửa, sống chung sẽ giúp thích ứng linh hoạt khi dịch bệnh đã có xu hướng lắng dịu, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong giảm, đồng thời giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Từ ngày 1/4 tới, Malaysia bắt đầu quá trình chuyển đổi coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và mở cửa biên giới cho khách quốc tế. Với thay đổi này, giới hạn giờ hoạt động với các cơ sở kinh doanh sẽ được dỡ bỏ. Khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ sẽ không cần phải cách ly khi nhập cảnh Malaysia.
Thủ tướng Malaysia tuyên bố: "Quá trình chuyển đổi thành bệnh đặc hữu là một chiến lược thoát khỏi đại dịch để đưa tất cả chúng ta trở lại cuộc sống gần như bình thường sau hơn 2 năm chống chọi với COVID-19. Quá trình chuyển đổi này chỉ là tạm thời trước khi đất nước chính thức bước vào giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu theo các tiêu chí của WHO".
Thái Lan cũng đã thông qua kế hoạch 4 bước chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/7. Để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, tỷ lệ tử vong không được vượt quá 0,1%, hiện tỷ lệ này là gần 0,2%.
Indonesia đang chuẩn bị lộ trình chuyển đổi từ giai đoạn đại dịch sang bệnh đặc hữu. Các hoạt động đi lại cũng đã được nới lỏng. Từ đầu tháng 3, Indonesia đã thí điểm du lịch miễn cách ly với khách quốc tế tới đảo Bali và quần đảo Riau.
Singapore là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á chuẩn bị kế hoạch sống chung với COVID-19 từ tháng 8/2021.
Từ ngày 17/4 tới, Myanmar sẽ mở cửa đón các chuyến bay chở khách và nối lại các chuyến bay định kỳ sau 2 năm đóng cửa hoàn toàn biên giới do dịch COVID-19. Quyết định này nhằm vực dậy ngành du lịch, khôi phục hoạt động kinh doanh và tạo điều kiện cho du khách quốc tế đến Myanmar. Theo Bộ Y tế Myanmar, du khách nước ngoài sẽ phải cách ly trong một tuần, thực hiện hai lần xét nghiệm PCR và phải có giấy chứng nhận đã tiêm phòng đầy đủ.
Ngành du lịch của Myanmar đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đại dịch COVID-19. Từ cuối năm ngoái, chính quyền Myanmar đã để ngỏ khả năng trong năm nay sẽ mở cửa trở lại đón du khách nước ngoài.
Malaysia đang thúc đẩy việc tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em trong bối cảnh số trẻ nhập viện, phải điều trị tích cực vì COVID-19 đang gia tăng. Giới chức nước này cho biết, các bậc cha mẹ cần cho con tiêm phòng càng sớm càng tốt bởi tỷ lệ trẻ em bị dị ứng sau khi tiêm vaccine của Pfizer và Sinovac là rất thấp. Đồng thời, cơ quan y tế Malaysia cũng nhấn mạnh, người dân cần theo dõi các thông tin chính thức từ Bộ Y tế, không nên nghe các tin tức giả mạo về vaccine.
Hãng tin AFP dẫn thông báo ra ngày 19/3 của Ủy ban Y tế Trung Quốc (NHS) cho biết, nước này đã ghi nhận 2 ca tử vong do mắc COVID-19. Đây là những trường hợp đầu tiên tử vong kể từ tháng 1/2021. Theo NHS, cả 2 ca bệnh này đều ở tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 4.051 ca mắc mới, giảm so với mức 4.365 ca ghi nhận một ngày trước đó.
Trong bài phát biểu vào ngày 17/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, nước này vẫn theo đuổi chiến lược "Zero COVID". Hàng chục triệu người ở nước này hiện đã được yêu cầu ở trong nhà nhằm khống chế và dập tắt đợt bùng phát dịch bệnh mới. Nhà chức trách cũng thông báo những ca mắc có triệu chứng nhẹ có thể cách ly tại các cơ sở cách ly trung tâm, thay vì đến các bệnh viện chuyên khoa như trước.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 không làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý thần kinh. Kết luận này vừa được các nhà nghiên cứu đưa ra sau khi xem xét và đánh giá tình trạng của hơn 8 triệu người đã tiêm ít nhất một liều vaccine của các hãng AstraZeneca, Pfizer-BioNTech, Moderna hoặc Johnson & Johnson.
Nghiên cứu trên cũng bao gồm 735.870 người chưa tiêm vaccine có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, cũng như những dữ liệu cũ hơn về 14,3 triệu người trong dân số nói chung nhằm đánh giá cơ bản về tình hình các bệnh lý thần kinh trước đại dịch.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện, tỷ lệ mắc bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, viêm não và tủy sống và hội chứng Guillain-Barr gia tăng ở những người đã khỏi COVID-19. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn về tác động lâu dài của vaccine và nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng như tác động của vaccine đối với các nhóm tuổi khác nhau. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu khẳng định, vaccine ngừa COVID-19 dường như không phải là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý liên quan đến thần kinh.