Cán bộ tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sai đối tượng với hàng chục ha đất rừng. Việc xử lý, khắc phục hậu quả yếu kém, kéo dài… là thực tế xảy ra tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) nhiều năm qua.
Cấp đất sai đối tượng, tranh chấp kéo dài
Cách đây 25 năm, hưởng ứng Chương trình trồng rừng “phủ xanh đất trống đồi trọc”, khai hoang, phục hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, gia đình bà Huỳnh Thị Mai có đơn xin nhận 12ha đất lâm nghiệp tại Đá Hàn, xã Sông Trầu, huyện Thống Nhất (nay thuộc thửa đất số 28, 31, 52, 45 tờ bản đồ số 39 xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) để trồng rừng tràm.
Sau khi được các cơ quan chức năng chấp thuận, gia đình bà Mai được UBND xã Sông Trầu cùng các cơ quan chức năng huyện, Hạt Kiểm lâm cắm ranh giới giao diện tích trên để trồng rừng. Trong quá trình sử dụng, hộ ông Nguyễn Văn Phúc (người sử dụng đất giáp ranh với đất gia đình bà Mai), đã tự ý chặt phá cây rừng và tranh chấp khoảng 1ha diện tích đất trồng rừng với gia đình bà Mai.
Năm 1996, nhận thấy hành vi chặt phá cây rừng là hủy hoại tài sản, bà Mai làm đơn gửi UBND xã Sông Trầu và được trả lời; trong đó có nội dung: “Việc ông Phúc tranh giành 1ha đất đã xác định ranh giới và giao cho hộ bà Huỳnh Thị Mai là không hợp lý và dẫn tới nhiều hậu quả không hay do tranh chấp đất”.
Năm 2000, ông Nguyễn Văn Phúc chết. Vợ, con ông Phúc khởi kiện xin chia tài sản thừa kế và được Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử, tuyên tại bản án số 47/DSST ngày 12/11/2002 tạm giao cho các đối tượng thuộc diện thừa kế tài sản là cây rừng trồng trên đất. Theo đó, quá trình tham mưu cấp sổ đỏ hàng chục ha đất rừng cho vợ, con ông Phúc, chính quyền đã không xác minh, để xảy ra nhiều sai phạm. Trong đó, diện tích đất rừng khoảng 1ha đất mà ông Phúc lấn chiếm của bà Mai được cấp cho bà Trần Thị Lành (con ông Nguyễn Văn Phúc). Ngày 26/12/2003, bà Lành chuyển nhượng toàn bộ diện tích này cho con ruột là Nguyễn Ngọc Tú.
Biến đất rừng thành khu dân cư
Năm 2006, UBND huyện Trảng Bom đã thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất Nhà nước giao, trồng rừng và cấp sổ đỏ không đúng đối tượng của hộ gia đình ông Phúc. Theo đó, nhiều sai phạm đã được làm rõ. Cụ thể, giao đất không lập thủ tục ký kết hợp đồng trồng rừng; thiếu kiểm tra, điều chỉnh với những hộ không có nhu cầu trồng cây rừng. Riêng hộ ông Phúc tự ý quản lý, sử dụng vượt diện tích đất được giao. Tổng cộng diện tích ông Phúc khai thác là hơn 147ha, nhưng chỉ có 64,5ha được giao, số còn lại hơn 82,75ha giao cho 12 hộ dân khác (là người nhà ông Phúc đứng tên xin giao đất nhưng không trực tiếp sử dụng).
Sau khi ông Phúc chết, vợ và các con ông Phúc làm thủ tục thừa kế và chính quyền đã cấp sổ đỏ vượt hạn mức giao đất là không đúng quy định của pháp luật. Do đó, trường hợp cấp sổ đỏ cho bà Trần Thị Lành và con gái Nguyễn Ngọc Tú thuộc diện phải thu hồi sổ đỏ. Đối với diện tích đất cấp sai mục đích thì phải thu hồi theo luật định.
Liên quan đến vụ việc, nhiều lãnh đạo Phòng Tài nguyên và lãnh đạo huyện bị xử lý kỷ luật, kiểm điểm và tổ chức khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, mãi đến năm 2014, UBND huyện Trảng Bom ban hành quyết định thu hồi sổ đỏ cấp cho Nguyễn Ngọc Tú, Trần Thị Lành nhưng những người trên không giao lại sổ đỏ và diện tích đất rừng dẫn tới sai phạm kéo dài đến tận bây giờ.
Trong khi hậu quả của những sai phạm chưa được xử lý dứt điểm, vào đầu tháng 12/2019, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, Lê Hữu Đảng bất ngờ “hạ bút” ký phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án xây dựng khu dân cư Phú An Lành tại xã Sông Trầu theo Quyết định số 6019/QĐ-UBND ngày 2/12/2019 trên diện tích đất rừng đang tranh chấp và giao trái pháp luật. Bất ngờ hơn, Giám đốc của dự án này là bà Nguyễn Ngọc Tú, người đang chiếm dụng trái phép một phần diện tích rừng nói trên.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục phản ánh, làm rõ ở số báo tiếp theo.