Từ 3 năm trở lại đây, tại huyện Tân Phú, HTX mua bán, chăn nuôi dê Văn Phong (HTX Văn Phong) ở ấp 3, xã Phú Lập, nổi lên như một điển hình trong phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX của huyện. Sau gần 4 năm hoạt động, HTX Văn Phong đã đem lại hiệu quả cho từng xã viên, từ đó hội viên nông dân thấy được hiệu quả kinh tế từ HTX nên đã làm đơn xin tham gia vào HTX, nâng tổng số thành viên HTX từ 11 thành viên lên 27 thành viên, với vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng.
“Hiện nay, HTX đã xây dựng được 3 trại nuôi dê, với tổng đàn gồm 1.700 con và 40 con heo rừng giống sinh sản, lợi nhuận mỗi tháng 300 triệu đồng. HTX đã đi vào hoạt động ổn định, đem lại hiệu quả cho các thành viên, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 37 lao động. Bên cạnh đó, HTX còn hợp tác với nông dân các xã trên địa bàn huyện, để hợp đồng chăn nuôi theo phương thức hỗ trợ dê giống không tính lãi và thu mua dê thành phẩm”, ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc HTX Văn Phong bày tỏ.
Tại huyện Thống Nhất, hiện có gần 30 HTX đang hoạt động hiệu quả, đã và đang trở thành điểm tựa để xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, liên kết tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Điển hình như HTX Dốc Mơ Farm, xã Gia Tân 3 - một trong những mô hình làm nông nghiệp điển hình theo phương pháp thuận tự nhiên, thực nghiệm mô hình nuôi trồng kết hợp (vườn - ao - chuồng).
Ngoài ra, Dốc Mơ Farm còn đầu tư xưởng chế biến ra các loại nông sản từ nguyên liệu sạch của nông trại, được khách hàng ưa chuộng như: xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói, thịt lên men và một số sản phẩm trà thảo dược…
Dốc Mơ Farm có 5 thành viên góp vốn. Từ khi đi vào hoạt động, Dốc Mơ Farm hoàn toàn tự cung tự cấp từ thịt, rau quả, trái cây, các loại dược liệu… 20 nhân viên, thành viên HTX đều là người trẻ, tốt nghiệp đại học nông lâm, thú y, kế toán, luật… có cuộc sống tốt, mức thu nhập ổn định.
Hiện mỗi cuối tuần, nông trại chỉ nhận tối đa khoảng 80 khách đặt trước để công tác phục vụ được tốt nhất. “Khách đến để thấy cách làm và những giá trị văn hóa ở đây. Từ đó, những nông sản tươi hoặc qua chế biến của nông trại có một cộng đồng tiêu thụ chính là những người, những gia đình đã đến nông trại, biết và yêu quý, tin tưởng sản phẩm của Dốc Mơ Farm”, anh Phạm Ngọc Thọ, Giám đốc HTX Dốc Mơ Farm chia sẻ.
Hiệu quả của HTX là một trong những nhân tố giúp xã Gia Tân 3, là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới của huyện, với thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,67% từ cách đây 2 năm.
Sau 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, và thực hiện Nghị quyết số 13 Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX, đến nay, các HTX trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Liên minh HTX Đồng Nai cũng có những đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi, thành lập mới và nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các mô hình KTTT, phát huy được vai trò đại diện cho các HTX. Vị thế của liên minh tiếp tục được khẳng định và nâng cao, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho các HTX và doanh nghiệp thành viên phát triển.
Để thúc đẩy sự phát triển của các HTX nói chung, trên lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Võ Tấn Đức cho rằng: Các cơ quan liên quan cần triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đã ban hành, thường xuyên theo dõi, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho HTX trong quá trình hoạt động.
Đồng thời, trong thời gian tới, KTTT cần định hướng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các địa phương phải nỗ lực tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia phát triển KTTT. Sở NN-PTNT, Sở Kế hoạch Đầu tư, Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai cần phải nhanh chóng rà soát cụ thể hoá các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn đến năm 2025.