Gia đình anh Bùi Văn Chính, ở xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc một hộ điển hình nuôi cá dầm xanh , khi trong ao của gia đình nuôi đến hàng nghìn con. Ao cá của anh Chính nổi tiếng trong vùng, với trọng lượng bình quân đạt từ 0,8kg đến hơn 1kg/con.
Anh Bùi Văn Chính chia sẻ: Gia đình anh có 2 ao, 1 ao ngay trước nhà còn 1 ao ở trên thượng nguồn suối Cái. Để bảo đảm môi trường cho loài cá quý phát triển, tôi dùng ống dẫn nước từ suối Cái về. Nước suối Cái trong vắt, chảy quanh năm, mát lạnh là điều kiện lý tưởng giúp cho giống cá quý sinh sản tự nhiên. Nước chảy vào, chảy ra liên tục nên ao cá của gia đình anh trong xanh, mát lạnh quanh năm. Chính vì thế, cá có thể sinh sống như trong môi trường tự nhiên và sinh sản tốt”.
Theo anh Chỉnh, cá dầm xanh là giống cá ăn tạp, dễ nuôi, tuy nhiên loài cá này không ăn cám công nghiệp như các loại cá khác. Thức ăn của cá dầm xanh chủ yếu là cỏ, lá sắn, lá chuối, gốc lúa... có sẵn ngoài tự nhiên. Để cá dầm xanh tăng trưởng nhanh, anh thường cho cá ăn thêm các loại thức ăn có chứa tinh bột như ngô, cám gạo… Mỗi ngày, cá dầm xanh ăn 3 bữa: sáng, trưa, tối. Môi trường nước phải luôn được bảo đảm, cá phải thường xuyên được theo dõi về trọng lượng và các bệnh phát sinh.
So với những loài cá khác, cá dầm xanh có khả năng kháng bệnh tốt, không bị chết khi thời tiết bất thường. Nhưng để có thể nhân giống được giống cá này, người dân ở huyện Tân Lạc thường nuôi cá mẹ ở một ao riêng.
“Sau khi cá mẹ sinh sản và cá con đạt đủ kích thước, cá con sẽ được vớt sang nuôi ở ao khác”, ông Bùi Hồng Phong, hộ dân nuôi cá xóm Trăng Tà, xã Nhân Mỹ chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Phong, chỉ khi tách ra nuôi riêng cá dầm xanh mới sinh sản. So với giống cá khác, cá dầm xanh phát triển chậm hơn, nuôi 5 năm mới đạt trọng lượng từ 2 - 3 kg. Bù lại, thịt cá thơm ngon hơn tất cả các loại cá nuôi ở địa phương.
Gia đình ông Phong, anh Chính, là 2 trong 3 hộ ở xã Nhân Mỹ có cá dầm xanh sinh sản trong ao nuôi. Từ khi cá sinh sản, đã có hàng nghìn con giống được bán ra thị trường, giá 20.000 đồng/con. Với cá dầm xanh thương phẩm, bà con bán 250.000 đồng/kg. Mỗi năm, thu nhập của các hộ nuôi cá đạt từ 70-80 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.
“Mặc dù giá cao, nhưng hiện cung không đủ cầu. Nhiều người muốn mua con giống cũng như cá thịt, chúng tôi chưa đáp ứng được. Trong thời gian tới, gia đình tiếp tục tăng số lượng cá giống để nuôi trong ao”, ông Phong cho biết.
Vào vụ thu hoạch cá, tấp nập xe tải của tư thương đến tận các xóm thu mua. Không chỉ trong địa bàn huyện, sản phẩm cá dầm xanh đã có mặt tại các nhà hàng ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố. Để hỗ trợ người dân phát triển mô hình nuôi cá dầm xanh, huyện Tân Lạc đã triển khai các chương trình vốn vay ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, mở lớp tập huấn nuôi cá dầm xanh và khuyến khích người dân nhân rộng mô hình; tăng cường quảng bá, tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Ông Bùi Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Nhân Mỹ cho biết: Cá dầm xanh ngoài tự nhiên ngày càng ít dần. Từ khi một số hộ nuôi cá đến nay, số lượng loài cá này tăng đáng kể. Cá nuôi đã sinh sản trong ao nên cung cấp nhiều cá giống cho bà con. "Đây cũng là việc làm góp phần bảo tồn giống cá quý; mở ra hướng phát triển kinh tế nhiều triển vọng, giúp người dân trên địa bàn nâng cao thu nhập”.