Buôn Jun vẫn còn giữ được nhiều giá trị văn hóa đặc sắcVẻ đẹp nguyên sơ
Trải dài ven bờ hồ Lắk, buôn Jun, thị trấn Liên Sơn còn lưu giữ nhiều vẻ đẹp nguyên sơ và bản sắc rất riêng của buôn đồng bào dân tộc Mnông được hình thành từ hàng trăm năm trước.
Chứng kiến bao biến động lịch sử của vùng đất và hơn 20 năm giữ vị trí già làng, Người có uy tín của buôn, già Y Nơ Bdap (SN 1949) bảo: Buôn Jun hình thành từ hàng trăm năm trước do 4 dòng họ của người Mnông ở tỉnh Đắk Nông và xã Đắk Phơi đến đây lập buôn, sinh sống và đặt tên buôn Jun. Trải qua thời gian, các thế hệ bà con dân tộc Mnông nơi đây vẫn giữ gìn, trân trọng những bản sắc văn hóa của dân tộc từ kiến trúc nhà dài, cồng chiêng, ủ rượu cần, dệt thổ cẩm, các nghi lễ, lễ hội…
"Trước đây, buôn Jun có rất nhiều voi, voi giúp dân làng vận chuyển nông sản, sau này voi còn tham gia chở khách du lịch. Ngày ấy, gia đình tôi cũng mua 4 con voi từ Bản Đôn về nuôi để vận chuyển nông sản. Đồng bào Mnông xem voi cũng như con người, voi được đặt tên, được cúng sức khỏe. Theo năm tháng voi già và mất dần, hiện cả buôn còn hơn chục con”.
Buôn Jun hiện nay còn 13 con voi nhàHiện nay buôn Jun hiện vẫn còn giữ được hơn 60 căn nhà sàn, 70 bộ cồng chiêng, gần 20 chiếc thuyền độc mộc, 13 con voi nhà cùng các nghi lễ quan trọng như: lễ hội vòng đời, lễ hạ thủy thuyền, lễ cúng lúa mới, lê cúng sức khỏe cho voi...Ngoài ra, người dân còn giữ gìn các nghề truyền thống như ủ rượu cần, dệt thổ cẩm, đan lát và những nét văn hóa ẩm thực. Tất cả những giá trị bản sắc văn hóa ấy đều được người dân tận dụng để làm du lịch, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bí thư Chi bộ buôn Jun Y Rôn Buôn Krông chia sẻ: Cũng như cộng đồng người Mnông trên địa bàn huyện Lắk, bà con buôn Jun sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Nguồn nước hồ Lắk tưới cho những cánh đồng lúa và cây công nghiệp của người dân. Ngày trước, người dân thu nhập bình quân chưa được 10 triệu đồng/năm. Nay bà con Mnông buôn Jun biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mỗi năm 3 vụ lúa, bà con còn trồng cây cà phê, đời sống của người dân ngày càng khá hơn. Từ buôn có đến hơn 90% hộ nghèo, nay chỉ còn 37 hộ, nhiều ngôi nhà tạm bợ được thay thế bằng nhà kiến trúc truyền thống kiên cố. Thu nhập bình quân của người dân tăng lên 45 triệu đồng/người/năm.
Điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn
Già làng, Người có uy tín Y Nơ Bdap (thứ 2 bên phải) của buôn Jun kể lịch sử buônBuôn Jun hiện có 117 hộ, 450 khẩu, với hơn 90% dân tộc Mnông sinh sống. Sở hữu phong cảnh tuyệt đẹp và hội tụ đủ đặc trưng văn hóa của người Mnông tạo lợi thế để buôn Jun xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng mang tích đặc thù, hấp dẫn. Hàng năm buôn Jun vẫn đón hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến thăm quan trải nghiệm.
Nhằm giúp người dân buôn Jun phát triển du lịch cộng đồng, ngày 16/11/2023, UBND tỉnh Đắk Lắk phê quyệt Dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm dến du lịch tiêu biểu buôn Jun. Nguồn lực thực hiện Dự án từ Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đến đầu tháng 12/2024, buôn Jun được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk công bố là điểm đến du lịch cộng đồng. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình trong hành trình phát triển du lịch của buôn Jun, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao thu nhập cho người dân trong buôn.
Nhiều năm làm du lịch cộng đồng, bà H’Wai Bdap (SN 1962), ở buôn Jun chia sẻ: Làm du lịch cộng đồng, gia đình tôi và một số hộ gia đình trong buôn được tham gia lớp tập huấn về kinh doanh, khai thác dịch vụ du lịch cộng đồng từ văn hóa cồng chiêng, nghề truyền thống, ẩm thực,… Gia đình tôi mở dịch vụ lưu trú - ẩm thực - biểu diễn cồng chiêng tại ngôi nhà sàn truyền thống. Tôi còn duy trì nghề ủ rượu cần truyền thống để phục vụ du khách và người dân địa phương. Chúng tôi rất vui khi mới đây buôn được công nhận là điểm đến du lịch cồng đồng. Đây là cơ hội để bà con dân tộc Mnông tiếp tục phát huy thế mạnh làm du lịch, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bà H’Wai Bdap nắm giữ bí quyết ủ rượu cần truyền thống phục vụ khách du lịchThời gian qua, buôn Jun được quan tâm, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, đặc biệt là cung đường ven hồ Lắk đã tạo cảnh quan đẹp, thúc đẩy phát triển du lịch. Hiện nay, buôn Jun có 21 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng, trong đó có 6 căn nhà được hỗ trợ cơ sở vật chất để phục vụ du lịch.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk - Nguyễn Anh Tú cho biết: Buôn Jun được bao bọc bởi hồ Lắk - hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ 2 Việt Nam và là Di tích danh lam thắng cảnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Đây là buôn có lịch sử phát triển du lịch lâu đời nhất huyện và đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động du lịch của huyện Lắk. Hầu hết người dân có sự am hiểu về hoạt động du lịch và từng tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch, việc được công nhận điểm đến du lịch cộng đồng tiêu biểu tiếp thêm động lực để buôn Jun phát triển du lịch mạnh hơn.