Thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp có đến 99% người dân sinh sống là người Ba Na, thu nhập chủ yếu dựa vào nương rẫy. Con suối Tà Má chảy qua làng, là nơi cung cấp nước sinh hoạt; và là nơi dừng chân nghỉ ngơi của bà con mỗi buổi lên nương. Suối Tà Má được trời phú cho một khung cảnh rất nên thơ, nước xanh mát quanh năm, chảy róc rách qua những phiến đá, hai bên là hàng hoa trang rừng cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Nhìn từ trên cao, con suối như một dải lụa mềm vắt qua cánh rừng già với màu xanh bạt ngàn.
Tuy được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái dã ngoại, nhưng vì đường sá đi lại khó khăn, nên lâu nay chỉ được biết đến như là một điểm du lịch tự phát. Để tạo điều kiện đi lại cho người dân, đồng thời kết nối vào khu du lịch suối Tà Má, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đầu tư xây dựng đường vào suối Tà Má.
Con đường được đầu tư kinh phí 8 tỷ đồng, với chiều dài khoảng 2,6 km, bề rộng nền đường 6,5 m, có điểm đầu giáp tuyến với tuyến đường ĐH.31 tại Km10+100 thuộc thôn Hà Ri, điểm cuối tuyến giáp với suối Tà Má. Vì hầu hết chiều dài con đường đều đi qua phần đất của người dân, nên muốn mở đường, trước hết phải vận động người dân đồng thuận hiến đất.
Anh Đinh Thìn - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Quản lý thôn Hà Ri cho hay: Sau khi có chủ trương làm con đường bê tông từ đầu thôn cho đến khu vực suối Tà Má, các cấp, ngành đã nhiều lần đến tận thôn bàn họp, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con. Nhờ cách vận động mềm dẻo, nên được người dân rất đồng tình ủng hộ.
Trong số 56 hộ bị ảnh hưởng từ việc mở rộng đường giao thông vào khu vực suối Tà Má, nhiều hộ gia đình có người là đảng viên, Người có uy tín đã đi đầu hiến đất. Đơn cử như già làng Đinh H’Nơn, hiến 50 m2; ông Đinh Liếp - Trưởng Ban Mặt trận thôn hiến khoảng 70 m2...
Ông Nguyễn Hồng Quang,- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp cho biết: Việc đầu tư con đường vào khu vực suối Tà Má đã ảnh hưởng đến nhiều hộ. Tuy nhiên với sự vận động, thuyết phục của chính quyền địa phương, đa số người dân đã tự nguyện hiến đất. Từ ngày triển khai xây dựng, đồng bào Ba Na thôn Hà Ri luôn đồng thuận chủ trương và nhiệt tình ủng hộ, nên công tác giải phóng mặt bằng mới diễn ra suôn sẻ. Vì thế, tuyến đường nhanh chóng khỏi công và hoàn thành đúng kế hoạch.
Hiện nay, đường vào điểm du lịch Tà Má được khang trang, sạch đẹp và rất nhiều du khách đến tham quan. Từ đó, huyện miền núi Vĩnh Thạnh có thêm một địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn và bà con cũng có thêm nguồn thu nhập. Về Hà Ri những ngày này, chúng tôi ghi nhận sự phấn khởi của đồng bào Ba Na từ khi có con đường mới.
Già làng Đinh H’Nơn tâm sự: Người Ba Na chúng tôi luôn tin tưởng và chấp hành tốt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ khi có chủ trương mở đường vào Tà Má, mọi người rất vui, ai cũng đồng thuận. Con đường sẽ giúp đời sống vật chất người dân đi lên nhờ vào phát triển du lịch đến địa phương, mà còn giúp đời sống tinh thần, việc giao lưu văn hóa với bên ngoài cũng đễ dàng hơn.
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, trong kế hoạch xây dựng Đề án “Phát triển du lịch huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, suối Tà Má được đánh giá có nhiều lợi thế để trở thành điểm du lịch đẹp và nổi tiếng. Ngoài ra, làng Hà Ri còn nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Như vậy, với cảnh quan thiên nhiên đặc sắc kết hợp văn hóa bản địa độc đáo của đồng bào Ba Na, nơi đây sẽ là một địa điểm du lịch đầy tiềm năng của huyện miền núi.
"Đáng mừng hơn nữa, là nhận thức của người dân đã được nâng lên, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì tập thể để xây dựng nếp sống mới văn minh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp", ông Nguyễn Hồng Quang chia sẻ.