Lũ đến sớm, phức tạp
Mới đây, trong cuộc họp về “Ứng phó với thiên tai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhận định, đến nay, mực nước lũ ở thượng nguồn ĐBSCL đã dâng lên. Nhất là những đập lớn ở ngay Campuchia, tình hình nước lũ rất khó lường.
Cụ thể, mực nước cao nhất cuối tháng 7 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu là 2,87m, trên sông Hậu, tại Châu Đốc là 2,38m. Đến ngày 8/8, mực nước trên sông Tiền, sông Hậu có khả năng lên mức lần lượt là 3,35m và 2,75m.
Dự báo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và đạt mức cao nhất vào ngày 13/8 sau đó biến đổi chậm. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Cũng tại cuộc họp này, ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam đưa ra cảnh báo, sau sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào, phía nước bạn bắt đầu xả một số hồ chứa. Do đó, lượng nước về khu vực ĐBSCL sẽ tăng lên. Theo dự báo mới nhất, từ ngày 10-14/8, đỉnh lũ sẽ đạt khoảng 3,4m đến 3,6m. Ông cũng đưa ra dự báo lũ chính vụ sẽ xảy ra khoảng giữa tháng 9 và đầu tháng 10, đỉnh lũ đạt khoảng 3,4m đến 3,9m.
Năm nay mưa nhiều, lượng nước lớn, khu vực ĐBSCL không bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn nhiều như cuối năm 2015, đầu năm 2016. Nhưng thiên tai mang tính chất cục bộ, thời gian ngắn như giông lốc, sét lại diễn ra liên tục gây nhiều thiệt hại nặng nề tại các địa phương.
Không thể chủ quan với bão
Trong khoảng 7 năm qua, khu vực ĐBSCL không phải chịu ảnh hưởng trực tiếp áp thấp hay cơn bão lớn nào, vì thế người dân thường có tâm lý chủ quan. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường như năm nay, không loại trừ khả năng ĐBSCL sẽ có áp thấp hoặc bão. Khi đó khu vực này sẽ phải chịu hậu quả rất khủng khiếp.
Ông Nguyễn Trường Sơn thông tin, để đề phòng tình trạng áp thấp và bão có thể bất ngờ xuất hiện tại ĐBSCL, thời gian qua, cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp. Ban phòng chống lụt bão các tỉnh đã tăng cường kiểm soát, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú khi có các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra. Đặc thù tàu thuyền của khu vực ĐBSCL có công suất nhỏ hơn khu vực miền Trung và miền Bắc. Bà con ở đây cũng thường sử dụng tàu, thuyền nhỏ, ghe làm phương tiện cá nhân đi lại hàng ngày, nhất là ở khu vực sông lớn.
Đầu tháng 8 cũng là thời điểm nhiều trường học tại ĐBSCL bắt đầu khai giảng. Vì vậy, các địa phương cần tập hợp các tàu, thuyền công suất lớn để đưa các em đến trường nhằm tránh tác động của lũ, bão.
Các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý ngay những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, đê biển, nhất là các tuyến đê bao vùng thượng nguồn và đê biển Tây. Từ đầu năm đến nay, đã có 0,8km đê từ cấp IV và 2,4km kênh mương, bờ sông bị sạt trượt. Nếu không kịp thời xử lý, số điểm sạt lở sẽ còn tăng lên khi mùa mưa lũ bắt đầu bước vào đợt cao điểm, nhất là nếu có bão thì khi đó thiệt hại về người và của sẽ rất khó kiểm soát.
Các địa phương cần liên tục theo dõi chặt chẽ và cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Tổ chức hướng dẫn người dân gia cố nhà cửa bằng dây thừng, dây thép, bao cát... Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống thiên tai cho người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
HƯƠNG GIANG