Theo chân Thiếu tá Nguyễn Thành Chung, Chủ nhiệm chính trị Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79 vào bản Đá Còi. Trước năm 2009, Đá Còi được biết đến là một bản biệt lập giữa rừng với “ba không”: không đường, không trường, không điện. Bây giờ cuộc sống của 60 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Đá Còi đã ổn định nhờ biết thâm canh 8ha lúa nước hai vụ, trồng rừng và đào ao nuôi cá.
Men theo con đường quanh co phía đầu nguồn hồ thủy lợi Rào Đá, vào thăm nhà cựu chiến binh Hồ Văn Bôn. Gia đình ông Bôn được xem là khá giả nhất bản Đá Còi khi sở hữu 12 con trâu, 11 con bò một mẫu ruộng lúa nước, 200 gốc tiêu, 100 gốc sưa cùng các loại cây ăn quả khác.
“Ơn các chú bộ đội lắm, nhờ bộ đội kéo điện về nên Tết Mậu Tuất năm 2018, là cái Tết thứ ba bản có điện; bộ đội hướng dẫn bà con cách trồng lúa nước dân bản được mùa lúa nên rất vui”, ông Bôn phấn khởi nói.
Rời nhà già Bôn, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Hồ Văn Hon, vừa lúc vợ chồng anh từ vườn cao-su trở về. Anh Hon là một trong những lao động người Vân Kiều đầu tiên được Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79 nhận vào làm công nhân. Hiện nay, hai vợ chồng anh được giao chăm sóc 8ha cao-su, thu nhập gần 9 triệu đồng mỗi tháng, ổn định hơn nhiều so với nghề đi rừng trước đây của anh. Em gái của Hon được đơn vị gửi vào Tây Nguyên đào tạo trung cấp lâm nghiệp nay trở về làm cán bộ kỹ thuật của đội.
“Vợ chồng mình cũng như các gia đình khác trong bản rất yên tâm, gắn bó với vườn cây, với làng mới này”, anh Hon cho biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Hán, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy, toàn xã có hơn 2.300 nhân khẩu trong đó đồng bào Vân Kiều gần 80% dân số. Trước khi Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79 lên vùng Ngân Thủy triển khai dự án, bà con trong xã chủ yếu đi rừng, lúc thì đi suối bắt cá, lúc vào rừng bẫy thú, bắt ong, gùi gỗ... Vì thế làm gì có thu tiền triệu như bây giờ.
Ông Hán vui vẻ nói: Đời sống đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Ngân Thủy được cải thiện từ khi Đoàn kinh tế-Quốc phòng 79 thực hiện Dự án khu Kinh tế-quốc phòng nam Quảng Bình. Không chỉ tạo việc làm để ổn định đời sống, đơn vị còn hỗ trợ cây, con giống và kỹ thuật nuôi trồng cho bà con, xây tặng 8 nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách và hộ nghèo, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân địa phương; đầu tư làm đường, xây nhà học mầm non cho trẻ, kéo điện đến các bản ở sát biên giới Việt-Lào.
“Khái niệm làm giàu đối với bà con Vân Kiều đã được mở ra khi có hướng dẫn của cán bộ Đoàn 79. Hiện có 250 lao động địa phương được giao chăm sóc hơn 1.000ha cao su, với giá trị đầu tư trên 265 tỷ đồng. Trong 9 năm qua, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình theo Đoàn 79 làm giàu trên mảnh đất vỡ hoang ở vùng Trường Sơn”, ông Hán nói.
Thiếu tá Nguyễn Thành Chung, Chủ nhiệm chính trị Đoàn kinh tế 79 Bộ Quốc phòng chia sẻ: Từ năm 2009, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng nhận nhiệm vụ xây dựng dự án Khu kinh tế, quốc phòng ở miền Tây Quảng Bình. Đơn vị được giao 2 nhiệm vụ chính là trồng cây cao su và xây dựng các cụm bản trên địa bàn đứng chân.
“Trước đây, bà con Vân Kiều ở vùng biên giới phía Tây Nam huyện Lệ Thủy sống chủ yếu phụ thuộc vào nghề rừng. Để thay đổi suy nghĩ và tập quán sinh sống, đơn vị đã dạy nghề và tuyển dụng gần 100 lao động người dân tộc Vân Kiều vào làm việc. Mỗi lao động được giao chăm sóc 3,5 đến 4,5ha cao su, mức lương hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Trước đây, bà con chuyên cầm dao, cầm ná đi săn con thú, chặt cây gỗ nay đã làm quen với việc cắt tỉa cành, vun gốc cao su. Đoàn 79 còn tuyển chọn, gửi đi đào tạo gần 10 lao động trẻ người Vân Kiều có trình độ THPT để trở thành các cán bộ kỹ thuật phục vụ việc khai thác mủ cao su trong vài năm tới”, Thiếu tá Chung cho biết.
Con đường phát triển của Ngân Thủy phía trước vẫn còn nhiều khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn 50% (năm 2017), song với quyết tâm của chính quyền địa phương, của người dân cùng sự trợ sức của Đoàn 79, hy vọng Ngân Thủy sẽ ngày một khởi sắc.
PHONG DƯƠNG