Để vào được bản Na Ngân bên dòng Nậm Ngân thuộc xã Nga My, chúng tôi phải vượt chặng đường hơn 70km đường rừng núi, cùng 30 lần vượt khe suối. Gần 3 tiếng đồng hồ vật lộn trên chiếc xe khách cùng với bác tài xế vui tính chúng tôi cũng vào được với đồng bào Thái nơi đây.
Bác tài xế xe khách như đọc được suy nghĩ khi chúng tôi vào Na Ngân nên hết lòng động viên trong suốt hành trình. Bác nói: Na Ngân bây giờ có nhiều thay đổi rồi, đồng bào Thái nơi đây không còn phải đứt bữa khi mùa giáp hạt nữa, cũng không còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước bởi người dân đã biết trồng lúa, biết chăn nuôi gia súc, gia cầm…
“Cô em gái của tôi ngày mới vào làm dâu bản Na Ngân hầu như tuần nào bác cũng phải đưa gạo và thức ăn vào để cứu đói cho vợ chồng con cái, thế nhưng giờ đây gia đình vợ chồng cô em đã khá hơn nhiều nhờ biết trồng rừng, trồng lúa, chăn nuôi… Tết vừa qua tôi đã được cô em biếu hẳn con lợn bản hơn 30 kg để ăn Tết. Nói thật, mừng cho cuộc sống của em gái và bà con bản làng Na Ngân lắm”, bác tài vui vẻ cho biết thêm.
Sau gần 3 tiếng đồng hồ, xe chúng tôi đã đến gần bản Na Ngân. Mặc dù để vào được bản phải đi thêm gần 20km đường rừng nữa, nhưng Bí thư Chi đoàn bản Na Ngân đã ra tận Quốc lộ 46 C chờ sẵn để đón chúng tôi vào thăm.
Mặc dù trong trí tưởng tượng, Na Ngân còn hoang sơ lắm, thế nhưng chúng tôi không khỏi bất ngờ trước cuộc sống bình yên và trù phú của bà con bản làng nơi đây. Nằm sát nơi thượng nguồn Nậm Ngân, mùa này, bản làng hiện ra trong cảnh thanh bình, những ngôi nhà sàn lợp mái gỗ và mái tôn đan xen, xung quanh là những cây dừa, cây cau cao vút. Cách xa một đoạn là những thửa ruộng bậc thang lúa đang thì con gái xanh mướt cả vùng đồi. Nét kiến trúc nhà ở và phong cảnh bản làng gợi lên một không gian cổ kính, là nơi cư trú lâu đời của cộng đồng người Thái.
Trưởng bản Lương Văn Tiến đón khách bằng tất cả sự niềm nở và thân tình, ông nói: “Bất cứ ai vào Na Ngân bà con đều xem là khách quý. Vì ở chốn xa xôi, heo hút này chỉ có những người yêu mến và có trách nhiệm mới vào đến Na Ngân”.
Ông Tiến cho biết: Điện lưới đã về bản từ hơn một năm nay, điện về thắp sáng bản làng, mang theo những đổi thay của cuộc sống. Bà con thi nhau mua sắm ti vi để được mở rộng tầm nhìn, trình độ và nhận thức cũng bắt đầu chuyển biến theo hướng tích cực. Điểm trường tiểu học và mầm non của bản cũng vừa được xây dựng mới khang trang, hơn 100 em nhỏ ở Na Ngân không còn mối lo đi học đường xa vất vả.
Hiện tại, bản có gần 150 hộ với khoảng 750 nhân khẩu, nguồn thu nhập chính vẫn là sản xuất lúa nước và chăn nuôi trâu, bò. So với các bản vùng trung tâm, đời sống ở Na Ngân còn nhiều khó khăn. Nguyên do cơ bản vẫn là giao thông cách trở đã hạn chế sự giao thương, khiến người dân chưa có tư duy phát triển hàng hóa, những tiến bộ về khoa học-kỹ thuật vẫn chưa được ứng dụng.
Vào Na Ngân, ngoài Trưởng bản Lương Văn Tiến, chúng tôi còn được gặp nhiều người khác, mỗi người một câu chuyện, để lại một ấn tượng khác nhau. Đó là Phó bản Vi Văn Nết, người được xem là giàu nhất bản. Nhà Nết hiện có 10 con trâu, lại đang thuê máy mở rộng diện tích ao cá. Vợ Nết mở quán tạp hóa bán tại nhà, thu nhập của vợ chồng mỗi năm cũng được gần 100 triệu đồng. Chúng tôi cũng gặp thầy giáo Lô Văn Bắc, người có nhiều năm gắn bó với việc học của con trẻ ở Na Ngân, được dân bản xem như người nhà...
Thầy Lô Văn Bắc kể lại, gần 20 năm trước, khi lần đầu tiên đặt chân đến Na Ngân-một giáo viên trẻ như thầy không dấu được ái ngại. Bởi cuộc sống quá đỗi khó khăn và vất vả, phần lớn mọi người chưa biết tiếng phổ thông. Nhưng nay không còn cảnh thiếu đói, cái nghèo cũng đang được đẩy lùi, điện lưới được đưa về bản. Đặc biệt, Nhà nước vừa đầu tư xây dựng ngôi trường mới cho các em bậc mầm non và tiểu học đã góp phần thay đổi bộ mặt của bản làng. Được học trong ngôi trường mới, con em Na Ngân thực sự vui mừng và đến lớp đều đặn hơn, các bậc phụ huynh cũng phấn khởi tạo điều kiện cho con em được học hành, có thêm nhiều chữ nghĩa để mở mang tầm nhìn.
Mong ước lớn nhất hiện nay của bà con bản Na Ngân là con đường từ Na Ngân ra trung tâm xã được Nhà nước đầu tư nâng cấp để việc đi lại được thuận tiện, đẩy mạnh giao thương hàng hóa, phá vỡ cung cách làm ăn tự cung tự cấp. Có đường, chắc chắn cuộc sống ở Na Ngân sẽ đổi thay, đó là khát vọng cháy bỏng nhất nơi đầu nguồn Nậm Ngân xa xôi này... thầy Bắc chia sẻ.
Chia tay Na Ngân, chúng tôi lại xuôi dòng Nậm Ngân về phía trung tâm xã Nga My. Trưởng bản Lương Văn Tiến, Phó bản Vi Văn Nết, thầy giáo Lô Văn Bắc và dân bản ra tiễn chân một đoạn xa. Cả tôi và họ tin rằng, dù xa xôi, cách trở nhưng với khát vọng vươn lên, cuộc sống của người dân ở Na Ngân chắc chắn sẽ đổi thay....
MINH THỨ - HỒ PHƯƠNG