Dân tộc Chứt là 1 trong 16 dân tộc ít người ở nước ta. Với dân số khoảng 7.000 người, đồng bào Chứt định canh định cư ở phía Đông dãy Trường Sơn của tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và một phần nhỏ ở Cao nguyên Đắk Lắk và Lâm Đồng. Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu: Duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các DTTS rất ít người; xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững… đã chắp cánh cho đồng bào Chứt vươn mình phát triển.
Thực hiện Quyết định 2086, người Chứt ở Rào Tre đã được hỗ trợ hướng dẫn phát triển sản xuất trong đó có ruộng nước để trồng lúa làm chủ lương thực. Những “kỹ sư” nông nghiệp quân hàm xanh ở Tổ Biên phòng Rào Tre đã đồng hành, cầm tay chỉ việc cùng bà con trong những năm qua, để rồi người Chứt nay đã thuần thục với việc cày cấy, bón phân… cho cây lúa để làm chủ được lương thực.
Nữ Trưởng bản Hồ Kiên vui mừng chia sẻ: “Hiện bản Rào Tre có 2,7 ha lúa nước, 22,5 ha rừng sản xuất. So với trước thì hiện đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay”.
Xuôi về hướng Nam, Quảng Bình là địa phương có số lượng người Chứt sinh sống nhiều nhất và chiếm tới hơn 70% cả nước. Từ Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện Minh Hóa đã phân bổ nguồn kinh phí gần 15 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Chứt tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2016 - 2025. Nhờ đó, đã giúp những bản làng người Chứt đổi thay toàn diện.
Nếu Chương trình ánh sáng vùng biên và xây cầu vượt lũ của Đồn Biên phòng Cà Xèng (Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) đã làm cho bản Mò O Ồ Ồ đổi thay, thì Chương trình “Đưa cây lúa nước lên ngàn” của đơn vị này đã làm cho người Chứt no cái bụng. Không chỉ ở Mò O Ồ Ồ; K-Ai; Ba Loóc mà nhiều bản làng của Người Chứt cũng đã thay đổi đáng kể.
Dưới tán những chồi non, con đường bê tông phẳng phiu như một sợi chỉ bạc nối liền trung tâm xã Dân Hóa với bản làng người Chứt giáp biên. Ba Loóc - bản làng của nữ sinh người Mày (nhóm địa phương thuộc dân tộc Chứt) đầu tiên trúng tuyển Đại học (năm 2022) Hồ Thị Lích giờ đã đổi khác, với những ngôi nhà kiên cố. Người Chứt đã vươn lên đầy chủ động, tăng gia lúa nương, trồng nhiều ngô nếp… Đã no cái bụng, thông thương thuận tiện hơn, bà con có điều kiện chăm lo việc học cho bọn trẻ. Em Hồ Thị Lích trúng tuyển đại học và đủ điều kiện bước chân vào giảng đường là một minh chứng sinh động và thuyết phục nhất cho sự phát triển toàn diện của người Chứt ở bản vùng biên Ba Loóc.
Xuôi theo Quốc lộ 15, bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đã trở thành một điển hình cho những bản làng Người Chứt về sự thay đổi. Với gần 100% dân số ở bản là người Chứt, sau hơn nửa thế kỷ được Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương đưa về định cư tại Mò O Ồ Ồ, đồng bào Chứt đã xây dựng bản làng mình có một diện mạo mới. Toàn bản hiện có 7 ha lúa nước và luôn duy trì sản xuất lúa nước 2 vụ/năm. Ngoài ra, các hộ dân trong bản còn trồng được 7 ha ngô mỗi vụ cùng nhiều ha lúa rẫy, sắn, rau xanh trong vườn nhà, nhờ đó, tình trạng đất bỏ hoang được hạn chế đến mức tối đa. Tận dụng nguồn thức ăn dồi dào từ cây lúa, ngô, cỏ tự nhiên, người dân nơi đây còn phát triển đàn trâu, bò với trên 120 con cùng nhiều gia súc, gia cầm... Đặc biệt, bản Mò O Ồ Ồ hiện có hơn 20 hộ tham gia trồng rừng kinh tế, với diện tích trung bình từ 0,5 - 2 ha/hộ.
Anh Cao Xuân Long - người đang đảm nhiệm “ba vai” Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ở Mò O Ồ Ồ là “thế hệ thứ 2” của tộc người Chứt từ hang đá về sinh sống quần tụ theo bản. Anh đã từng bước đưa đồng bào mình thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Anh Cao Xuân Long là hiện thân cho sự phát triển của đồng bào Chứt qua các thế hệ.
Những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào DTTS nói chung và dân tộc Chứt nói riêng đã tác động tích cực đến đời sống và trở thành động lực chắp cánh cho đồng bào phát triển toàn diện. Những cái tên Cao Xuân Long, Hồ Kiên… hay sau nữa là Cao Thị Lệ Hằng, Hồ Thị Lích, Nguyễn Thị Kim Chi đã và đang vững bước tiến về phía trước. Người Chứt đang hòa vào sự phát triển chung của đất nước.