Độc đáo ngói cổ
Đến Cao Bồ trong ngày nắng như đổ lửa, nhưng chúng tôi khá ngạc nhiên bởi không khí ở đây rất mát mẻ. Cũng như những bản vùng cao khác, những mái nhà sàn của người Dao nơi đây nằm ở “lưng chừng núi, lưng chừng đèo”. Nhưng điểm khác biệt là những căn nhà với mái ngói có hình dáng rất lạ mắt, giống như những chiếc vảy cá nhưng không dày, thô như ngói hiện đại. Quan sát, sẽ thấy viên ngói rất mỏng, tinh tế nhưng độ bền rất cao. Cách xếp ngói cũng tỷ mỉ công phu, đều tăm tắp. Đặc biệt, ngói có màu xanh nhạt pha một chút màu da lươn, khác biệt so với các loại ngói khác.
Anh Lý Văn Dồn, thôn Tham Còn, một trong những chủ nhân của ngôi nhà sàn cổ cho biết, ngôi nhà này từ đời ông cố nội anh để lại. Nhà của gia đình đã tồn tại hơn 100 năm, nhưng riêng phần mái chưa phải sửa chữa bao giờ. Hơn nữa, mái ngói này có tác dụng điều hòa không khí rất tốt, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát.
Để tìm hiểu về loại ngói này, chúng tôi đến gặp ông Hoàng Văn Quỳnh ở Bản Dâng, một bản người Dao còn nhiều nhà ngói cổ. Ông Quỳnh cho biết, gần 50 năm về trước, khi ấy còn là thanh niên, ông vẫn thường cùng trưởng bản đi bộ ngót 100 cây số tới tận huyện Yên Minh tìm mua ngói vảy cá.
Vì mê mẩn dòng ngói này, ông đã xin ở lại làm cùng người dân ở bản một thời gian. Ông Quỳnh chia sẻ, để làm ngói vảy cá, người thợ phải làm thủ công 100%. Khâu đầu tiên là phải chọn được đất, là loại đất sét đào ở ruộng. Chính vì thế, ở những công đoạn này, người thợ phải làm thật khéo léo, nhẹ nhàng thì khuôn ngói và vòng đất tách rời nhau dễ dàng.
Đất sau khi tập kết về, được nhào kỹ với nước để loại tạp chất. Người thợ dùng kéo xén đất thành từng thỏi nhào đi, nhào lại rồi dùng chân giẫm kỹ đến dẻo để tạo đất thành một viên hình hộp chữ nhật. Người thợ chỉ việc lấy kéo cắt đất thành những lát mỏng có bề dày chừng 1cm rồi đem lá đất đó lật nhẹ xuống một chiếc khuôn gỗ, miết quanh thành khuôn.
Riêng thời gian phơi cũng phải mất từ 30-50 ngày, ngói mới đủ khô để đem nung trong lò. Trung bình, mỗi lò có thể chứa dăm, bảy chục nghìn viên. Một điều đặc biệt, tạo nên chất lượng của ngói vảy cá là lò nung được đốt bằng củi và quá trình nung diễn ra liên tục 10 ngày 10 đêm. Muốn tạo màu cho ngói phải có bí quyết riêng. Ông Quỳnh cho biết thêm, do vận chuyển kỳ công nên ngói vảy ở thời điểm đó có giá rất đắt, chỉ những nhà giàu mới có thể làm.
Tiềm năng phát triển du lịch
Ngói vảy độc đáo là thế, nhưng đến nay dường như đã thất truyền. Ông Đặng Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Bồ cho biết, xã có 744 hộ với 3.932 khẩu, 11 thôn, bản; trong đó dân tộc Dao chiếm 95%, còn lại là dân tộc Tày và Mông. Hiện nay, ở Cao Bồ chỉ còn khoảng gần 100 nhà sàn có mái ngói vảy cổ độc đáo này. Tuy nhiên, do loại ngói này đã thất truyền hàng chục năm nay nên những nhà xây mới gần như là bằng mái bằng, hoặc lợp mái tôn…
Chia sẻ về nét độc đáo, lợi thế của địa phương để phát triển du lịch, bà Đặng Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết, những năm gần đây, huyện Vị Xuyên rất chú trọng tới phát triển du lịch. Một hướng đi mới được huyện ưu tiên là việc xây dựng và phát triển các Làng văn hóa du lịch gắn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Hiện, Vị Xuyên có 4 Làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó ở xã Cao Bồ có thôn Lùng Tám. Bên cạnh vấn đề khai các cảnh đẹp thiên nhiên, khí hậu, hiện nay huyện cũng nghiên cứu đưa các nhà sàn cổ thành nơi du lịch cộng đồng. Chúng tôi hy vọng vẻ đẹp tinh tế cùng với chất lượng các nhà sàn cổ này sẽ là điểm thu hút du khách đến với vùng cao Vị Xuyên nhiều hơn.
HIẾU ANH