Phóng viên: Bà có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật sau 04 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025?
Bà Lương Thị Hạnh: Trong 4 năm qua, với sự đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đến nay, đã có 9 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra, dự kiến đến hết năm 2025 sẽ có 23 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch.
Hiện toàn huyện có 2 xã và 57 bản đạt chuẩn NTM (trong đó có 9 bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu); có 9 sản phẩm OCOP 3 sao. Văn hóa – xã hội ngày càng chuyển biến tích cực; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện thường xuyên, đầy đủ và kịp thời; quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường thắm tình đoàn kết, hữu nghị; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; đồng bào các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết một lòng, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Phóng viên: Theo bà, thành tựu nào có thể xem là ấn tượng nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong những năm qua?
Bà Lương Thị Hạnh: Giai đoạn 2021 – 2025, Quan Sơn là một trong 74 huyện nghèo của cả nước theo Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; gần 90,75% dân số của huyện là đồng bào DTTS. Các chương trình, chính sách dân tộc triển khai trên địa bàn huyện đều hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững. Vì vậy, giảm nghèo là một trong những thành tựu ấn tượng nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn của huyện từng bước phát triển. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được phát huy và bằng chính sự nỗ lực thoát nghèo của đồng bào các DTTS, từ đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 29,9 triệu đồng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2022. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 30,02% (2.780 hộ), giảm 5,64%; tính chung giai đoạn 2019 – 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 4,69%. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn hằng năm giảm nhanh hơn mức bình quân chung toàn huyện.
Phóng viên: Đâu là những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Quan Sơn, thưa bà?
Bà Lương Thị Hạnh: Quan Sơn là huyện nghèo, có đông đồng bào DTTS sinh sống, thu ngân sách trên địa bàn rất thấp. Do đó, đầu tư công vừa là nguồn lực, vừa là động lực giúp huyện phát triển kinh tế - xã hội.
Giai đoạn 2019 – 2024, tổng nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án trên địa bàn huyện đạt hơn 1.828 tỷ đồng. Riêng từ năm 2021 đến nay, thực hiện 03 Chương trình MTQG, tổng nguồn vốn đầu tư cho cả 03 chương trình đạt trên 902 tỷ đồng. Từ nguồn lực đó, huyện đã đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình, hạ tầng, điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, phục vụ dân sinh.
Một lợi thế so sánh, đồng thời cũng là động lực để Quan Sơn tiếp tục phát triển hơn nữa chính là tiềm năng về du lịch. Quan Sơn là vùng đất “sơn thủy hữu tình”, được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh thắng đẹp như: động Bo Cúng, động Nang Non, núi Pù Mằn, hang Pha Rùa,.. Cùng với đó là những di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh như: đền thờ Tư Mã Hai Đào, Cầu Phà Lò,... Huyện có cửa khẩu Quốc tế Na Mèo. Năm 2019, tuyến du lịch quốc tế Quan Sơn – Viêng Xay (Lào) đã chính thức được công bố, mỗi năm thu hút hàng trăm lượt khách quốc tế.
Thêm một nguồn lực lớn nữa của huyện chính là di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện và tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức của đồng bào các dân tộc. Cùng với quá trình “dựng Mường, xây bản”, đồng bào các dân tộc trong huyện luôn giữ vững truyền thống yêu nước, cách mạng, cần cù trong lao động, sản xuất, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Phóng viên: Trong 03 Chương trình MTQG hiện nay thì Chương trình MTQG 1719 có các nội dung chính sách ưu tiên đầu tư địa bàn khó khăn nhất, giải quyết những vấn đề bức thiết nhất của đồng bào DTTS. Để phát huy tối đa hiệu quả của các nội dung chính sách, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG 1719 được huyện quán triệt như thế nào, thưa bà?
Bà Lương Thị Hạnh: Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của huyện Quan Sơn nói chung, của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện nói riêng. Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương giao thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn huyện là 156,907 tỷ đồng, tập trung đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn và ưu tiên giải quyết những vấn đề bức thiết trong đời sống của đồng bào DTTS.
Xác định tầm quan trọng đó, sau khi có hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, căn cứ Điều 26 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, UBND huyện Quan Sơn đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện uỷ ban hành Quyết định số 688-QĐ/HU ngày 29/4/2022 về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG huyện Quan Sơn giai đoạn 2021 – 2025.
Ban chỉ đạo gồm 31 thành viên, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện là Trưởng ban, Chủ tịch UBND huyện là Phó Trưởng ban thường trực; các Phó Trưởng ban chỉ đạo khác là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy và các Phó Chủ tịch UBND huyện; Trưởng các Phòng chuyên môn, ban, các ngành đoàn thể cấp huyện là Ủy viên ban chỉ đạo.
Để bảo đảm các chính sách phát huy tối đa hiệu quả, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện đã chủ động triển khai Chương trình; chỉ đạo chính quyền cơ sở triển khai, phổ biến đầy đủ các chính sách, cơ chế, quy định đến cơ sở, cộng đồng dân cư, người dân tham gia thực hiện chương trình; đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư, người dân tham gia giám sát thực hiện chương trình theo quy định của pháp luật.
Phóng viên: Là người đứng đầu cấp ủy, đã có thời gian dài công tác tại địa phương, bà có thể chia sẻ những trăn trở nhất của bà hiện nay?
Bà Lương Thị Hạnh: Sau nhiều năm công tác tại Quan Sơn, chứng kiến sự phát triển tích cực của huyện, tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, là người đứng đầu cấp ủy, chịu trách nhiệm cao nhất trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Huyện ủy, tôi vẫn còn nhiều trăn trở. Bởi bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình kinh tế - xã hội của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Thấy rõ nhất là hạ tầng chưa đồng bộ; đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao, kết quả giảm nghèo còn thiếu bền vững. Việc hỗ trợ sản xuất, sinh kế cho đồng bào có lúc còn chưa kịp thời; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; chưa tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; vẫn còn một số đồng bào bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ tin theo “tà đạo”, tổ chức tự xưng; nghiện hút ma túy luôn tiềm ẩn; tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra.
Phóng viên: Để hoàn thành mục tiêu sớm đưa Quan Sơn ra khỏi danh sách huyện nghèo, những giải pháp gì sẽ được huyện tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới, thưa bà?
Bà Lương Thị Hạnh: Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI đặt mục tiêu phấn đấu đưa Quan Sơn ra khỏi danh sách huyện nghèo trước năm 2025. Những kết quả sau 04 năm thực hiện Nghị quyết là tương đối khả quan; tuy nhiên, để sớm hoàn thành khát vọng được đề ra tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI đòi hỏi cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện nỗ lực hơn rất nhiều.
Thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2020 - 2025 chỉ còn 1 năm, khó khăn, thách thức vẫn còn rất lớn, trong khi nhiệm vụ còn lại rất nặng nề. Điều này đòi hỏi Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, các lãnh đạo chủ chốt huyện Quan Sơn phải đoàn kết, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phong cách làm việc sâu sát, quyết liệt, cụ thể hơn trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Quán triệt chỉ đạo của đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Đỗ Trọng Hưng, Quan Sơn tiếp tục tập trung thực hiện “5 vững”, đó là: Giữ vững tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong toàn hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong huyện; giữ vững lòng dân, giữ vững niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền, vận động của MTTQ và các đoàn thể; giữ vững tinh thần cách mạng, tiến công, phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường đi lên từ bàn tay khối óc, từ tiềm năng, thế mạnh, từ truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; giữ vững an ninh, môi trường rừng đầu nguồn, giữ vững an ninh nguồn nước, từ đó, tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Trong thực hiện các chương trình, dự án, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, triển khai có hiệu quả các Chương trình MTQG. Đồng thời tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực trong Nhân dân để xây dựng nông thôn mới, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Đối với lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, huyện tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển của tỉnh, từ các chương trình MTQG và nguồn lực của địa phương đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ vững chắc, liên vùng, kết nối với các địa phương, tạo động lực cho sự phát triển nhanh của huyện; tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thiết yếu như: đập, hồ, kênh mương thủy lợi; đường liên thôn, nội thôn, nội đồng; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa - khu thể thao,… phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào các DTTS.
Trân trọng cảm ơn bà!