Đồ gia dụng bằng nhựa trên thị trường hiện rất nhiều chủng loại. Bên cạnh các nhãn hàng cao cấp thì đầy rẫy những mặt hàng gia dụng bằng nhựa không rõ nguồn gốc.
Đặc biệt, vào thời điểm trước trong và sau Tết, đến bất cứ một điểm chợ vùng nông thôn, khu vực miền núi, chúng ta sẽ bắt gặp nhan nhản các “cửa hàng di động” bày bán các sản phẩm gia dụng như: ly, chén, thau, xô… Những sản phẩm có điểm chung là mẫu mã rất đa dạng, màu sắc bắt mắt, giá rất rẻ và… đều không truy xuất được nơi sản xuất (!).
Để “mục sở thị”, chúng tôi lên chợ phiên Bản Đồn, xã Châu Quang, (Quỳ Hợp, Nghệ An). Gần Tết nên nhu cầu mua sắm của đồng bào dân tộc Thái nơi đây rất lớn.
Vì thế mà phiên chợ trở thành điểm đến của nhiều “cửa hàng di động”. Chỉ cần một tấm bạt trải trên đất cùng với chiếc loa thùng bật hết công suất, chủ nhân của những “cửa hàng di động” ra rả quảng cáo các mặt hàng được bày bán trên tấm bạt là “xả hàng công ty tồn kho, giá rẻ bất ngờ, mua 3 tặng 1…”.
Cầm những chiếc đĩa nhựa, cốc nhựa có in hoa văn bắt mắt, tôi cố tìm xem có nhãn mác hay dòng chữ nào ghi nguồn sản xuất hay không; nhưng tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy. Thắc mắc hỏi người bán hàng thì chúng tôi nhận được câu trả lời: “Yên tâm mua đi, hàng xả kho này cần gì nhãn mác.
Nếu có nhãn mác thì giá đã không được rẻ như thế này. Đây toàn sản phẩm thừa hoặc lỗi của công ty nên mới đem ra thanh lý đấy”.
Mà đúng như người bán hàng nói, giá các mặt hàng rẻ thật. 6 chiếc cốc nhựa (cỡ trung bình) chỉ có giá 20 nghìn đồng; những chiếc đĩa nhựa nhỏ nhỏ thì rẻ hơn, có 2 nghìn đồng/cái…
Vì giá rẻ, cộng với những “mật ngọt” đang ra rả nhả ra từ chiếc loa thùng, ai đi chợ phiên cũng ghé vào; người mua ít, người mua nhiều. Như chia sẻ của một phụ nữ mua hàng, thấy rẻ thì vào mua thôi, nghe quảng cáo hàng công ty nhưng cũng chẳng biết thật giả lẫn lộn như thế nào.
Không chỉ người dân mua các sản phẩm gia dụng bằng nhựa từ các “cửa hàng di động” về sử dụng mà lâu nay, không ít cửa hàng kinh doanh ăn uống cũng sử dụng đồ nhựa. Lý do đơn giản vì đồ nhựa có giá thành rẻ, siêu nhẹ và có thể dễ dàng vận chuyển, tiện lợi.
Rẻ, tiện dụng, lại đa dạng, bắt mắt là điều dễ nhận thấy ở các đồ nhựa gia dụng không rõ nguồn gốc. Nhưng tác hại của nó như thế nào đối với sức khỏe người sử dụng.
Hãy nghe chia sẻ của chị Nguyễn Thị Loan, người dân ở thị trấn Tân Kỳ (Nghệ An): “Tôi có mua 6 cốc nhựa giá 20.000 đồng, khi rót nước nóng vào thì cốc có mùi nhựa rất khó chịu; mua rồi đành bỏ chẳng dám dùng nữa”.
Thực tế, nhiều sản phẩm được làm từ nhựa kém chất lượng, gây tác hại rất lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, với khu vực nông thôn, miền núi, mặt hàng “mết-in vỉa hè” phần lớn do các cơ sở gia công nhỏ, lẻ sản xuất; nguyên liệu phần lớn là nhựa tái sinh; khi đựng thực phẩm nóng, chua, mặn có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Chất tạo bọt và chất dẻo hóa chất độc hại trong nhựa có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Dẫu biết, sử dụng sản phẩm giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp là một trong những tiêu chí của người tiêu dùng hiện nay, nhất là đối với người nghèo, hộ DTTS sinh sống ở vùng ĐBKK. Tuy nhiên, trước những hiểm họa của việc sử dụng đồ gia dụng nhựa giá rẻ, người dân cần phải là người tiêu dùng thông thái.
Quan trọng hơn, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần siết chặt quản lý những mặt hàng mết-in vỉa hè” này.
TÙNG NGUYÊN