Công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách dân tộc tiếp tục được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân; nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với các chính sách dân tộc tiếp tục được nâng lên.
Điện Biên đã hoàn thành phân bổ chi tiết 100% kế hoạch nguồn vốn ngân sách Trung ương giao; đồng thời huy động được 7.299 triệu đồng từ các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trong năm 2024.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Điện Biên được giao vốn ngân sách Trung ương là 1.657.869 triệu đồng. Trong đó vốn đầu tư phát phiển là 856.682 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 801.188 triệu đồng. Vốn năm 2023 chuyển sang: 461.074 triệu đồng, vốn năm 2024: 1.196.795 triệu đồng. Kết quả đến 31/5/2024, Điện Biên đã thực hiện giải ngân được 275.332 triệu đồng đạt 16,61% kế hoạch năm.
Dù đã nỗ lực triển khai nhiều công trình, dự án song kết quả giải ngân còn chậm. Một số nội dung của các chương trình chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc chậm hướng dẫn nên tỷ lệ giải ngân vốn, nhất là nguồn vốn sự nghiệp đạt rất thấp, chưa bảo đảm yêu cầu đề ra.
Nhiều Dự án có tỷ lệ giải ngân thấp như: Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”: Kế hoạch giao 42.862 triệu đồng; thực hiện giải ngân 57 triệu đồng đạt 0,13% kế hoạch. Dự án 9 “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn”: Kế hoạch giao 61.937 triệu đồng; thực hiện giải ngân 1.895 triệu đồng đạt 3,06% kế hoạch.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, trong 6 tháng cuối năm, Điện Biên sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương với mục tiêu nhiệm vụ. Từng đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, thiết thực, tập trung các giải pháp tác động trực tiếp đến thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đồng bào vùng DTTS; phân công các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trực tiếp theo dõi, tuyên truyền, tư vấn, giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đối tượng, địa bàn để người dân nắm bắt kịp thời về ý nghĩa, mục đích, sự cần thiết của Chương trình. Kịp thời sửa đổi bổ sung các văn bản quy định, hướng dẫn thuộc thẩm quyền của tỉnh để phù hợp, đồng bộ với các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương…