Chúng tôi gặp ông Phạm Văn Tích, Người có uy tín tiêu biểu ở thôn Cây Muối, xã Trang, huyện Ba Tơ. Mặc dù đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, khỏe khoắn, đôi mắt sáng, giọng nói hào sảng đặc trưng của người vùng cao. Người dân yêu quý ông bởi cái tài hoà giải quyết những mâu thuẫn trong làng và vận động nhiều đối tượng có hành vi xấu “cải tà quy chính”, góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
Ông Tích chia sẻ: Thôn Cây Muối có 125 hộ dân, 428 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Hrê. Là địa bàn giáp ranh với một số địa phương khác trong và ngoài tỉnh, do đó tình hình an ninh trật tự còn nhiều phức tạp. Địa phương còn tồn tại một số tệ nạn như khai thác, vận chuyển gỗ trái phép; lấn chiếm đất rừng; trộm cắp vặt; bạo lực gia đình; nghi kỵ cầm đồ thuốc độc… Bên cạnh đó là tình trạng tranh chấp đất đai thường hay xảy ra.
“Khi phát hiện vụ việc xảy ra trên địa bàn, bằng kinh nghiệm của mình, tôi phối hợp với cán bộ thôn, xã, đến từng gia đình, gặp từng người dân để tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giải thích. Qua nhiều lần giải thích, chia sẻ, người dân cũng dần hiểu ra vấn đề và có cách giải quyết ổn thoả”, ông Tích nói.
Còn bà Đinh Thị Hú ở thôn Hà Bắc, xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà là một trong những gương điển hình về vận động, tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Với vai trò, trách nhiệm của mình, trong những năm qua, bà Hú cùng với lực lượng Người có uy tín ở xã đã tích cực tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS của xã.
Bà Hú cho biết, trong các cuộc họp thôn, khu dân cư, bà đều tuyên truyền hệ lụy do tảo hôn, đồng thời trao đổi với các bậc phu huynh quan tâm hơn đến chuyện học tập, sinh hoạt của con cái để kịp thời giáo dục, uốn nắn các cháu. Bà cũng nhắc nhở bà con trong thôn nếu phát hiện có hiện tượng tảo hôn thì phải báo cáo với cán sự thôn, xã để ngăn cản, xử lý chứ không nên bao che… Nhờ đó, tình trạng hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn đã chấm dứt, tảo hôn được kéo giảm đáng kể.
Ở thôn Nước Min, xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, ông Đinh Thanh Sơn được biết đến là một trong những Người có uy tín nhiệt huyết trong việc truyền dạy nhạc cụ cho nhiều thế hệ. Để phát huy bản sắc văn hóa của người Ca Dong (một nhánh của đồng bào Xơ Đăng), ông Sơn cùng với lực Người có uy tín ở địa phương vận động các nghệ nhân, các gia đình bảo tồn các nhạc cụ, làn điệu dân ca và các điệu múa của dân tộc mình.
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện tốt hơn nữa các chính sách cho Người có uy tín. Từ đó, khích lệ, phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Người có uy tín trong cộng đồng”.
Ông Hồ Ngọc Thịnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi
Nhờ đó, đến nay tại Sơn Mùa có 6 điểm sinh hoạt văn hóa, đây cũng là điểm để tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ của địa phương, đồng thời là nơi truyền dạy cho những người trẻ ở buôn làng về đánh cồng chiêng, truyền dạy các điệu dân ca, dân vũ cho đồng bào...
Ông Hồ Ngọc Thịnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Nhiều năm qua, đội ngũ Người có uy tín thực sự là chỗ dựa vững chắc đối với đồng bào DTTS ở địa phương. Hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi có 306 Người có uy tín trong cộng đồng các DTTS. Thực hiện chính sách đối với Người có uy tín, những năm qua tỉnh đã làm tốt công tác thăm hỏi lúc ốm đau; tặng quà trong những dịp lễ, Tết truyền thống. Bên cạnh đó, việc triển khai Tiểu Dự án 1 - Dự án 10 Chương trình MTQG 1719, các cấp cũng định kỳ biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, từ đó, khích lệ, phát huy vai trò của Người có uy tín trong cộng đồng.