Tỷ lệ ra lớp thấpSuối Sát là một trong những bản xa nhất, khó khăn nhất của xã ĐBKK Hua Nhàn, huyện Bắc Yên (Sơn La). Bản chỉ có khoảng vài chục nóc nhà, 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông.
Theo thống kê của UBND xã Hua Nhàn, cả bản Suối Sát có hơn 50 trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, nhưng từ nhiều năm nay chỉ có khoảng 50% em được đến trường. Nguyên nhân là do điểm trường còn tạm bợ; đời sống của bà con trong bản còn rất khó khăn; các cháu trong độ tuổi mầm non hoặc lang thang tối ngày khắp sườn núi, hoặc theo cha mẹ lên nương rẫy.
Cũng như Suối Sát, ở 16 bản còn lại của xã Hua Nhàn, số lượng trẻ trong độ tuổi mầm non được đến lớp là không nhiều. Các bản nằm rải rác, đi lại khó khăn, có những bản cách trung tâm xã 30km. Thu nhập chính của bà con nơi đây là trồng ngô, sắn.
Đáng chú ý, việc trẻ mầm non trong độ tuổi không ra lớp là thực trạng không chỉ ở Hua Nhàn, huyện Bắc Yên mà là vấn đề rất nan giải lâu nay của ngành Giáo dục tỉnh Sơn La. Theo Báo cáo số 562/BC-SGDĐT ngày 23/10/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, toàn tỉnh còn đến 81,7% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 3,4% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo và 0,3% trẻ 5 tuổi chưa được đến trường. Đặc biệt tỷ lệ huy động trẻ ở độ tuổi từ 3 tháng đến 24 tháng đến trường mầm non công lập mới đạt 11,9%; đến nhóm trẻ tư thục mới đạt được 5,1%...
Số trẻ em trong độ tuổi mầm non không ra lớp tập trung phần lớn ở các địa bàn xa xôi, giao thông cách trở, đời sống của người dân còn rất khó khăn. Đặc biệt, ở những điểm dân cư cách xa trung tâm bản, việc trẻ em trong độ tuổi mầm non đến lớp chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn.
Theo bà Trịnh Thị Oanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La, toàn tỉnh hiện có 322 điểm dân cư cách xa trung tâm bản, là nơi sinh sống của 8.893 hộ/41.123 nhân khẩu, thuộc các dân tộc: Thái, Mông, Mường, Dao, Xinh Mun, Khơ Mú. Phần lớn ở các điểm này, dân cư sinh sống phân tán, nhỏ lẻ (có 208/322 điểm dân cư chỉ có dưới 30 hộ dân sinh sống). Trong 322 điểm dân cư thì có đến 207 điểm chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; có 306/322 điểm dân cư chưa có phòng-lớp học kiên cố, đủ diện tích.
Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS của tỉnh nói chung, ở 322 điểm dân cư cách xa trung tâm bản nói riêng, hiện còn rất cao. Theo kết quả thống kê năm 2017 từ các huyện, thành phố, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS trên địa bàn tỉnh hiện nay là 31,85%. Trong đó có những cộng đồng dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: Xinh Mun (76,13%), Khơ Mú (65,02%), La Ha (66,73%), Mông (64,83%), Kháng (53,4%), Dao (45,15%),… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều cháu trong độ tuổi đi học chưa được đến trường.
Xã hội hóa gặp nhiều khó khănViệc khó huy động trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp là một thực trạng lâu nay của ngành Giáo dục tỉnh Sơn La. Hiện nay, trên địa bản tỉnh chỉ có 2 loại hình trường mầm non là công lập và tư thục, không có trường mầm non bán công và dân lập. Nhưng ở cả 2 loại hình trường mầm non của tỉnh cũng rất thiếu và yếu về cơ sở hạ tầng cũng như đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học.
Đối với loại hình mầm non công lập, do tỉnh hiện chưa có cơ chế, chính sách riêng đối với bậc học này nên các trường mầm non công lập chưa nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 3.590 phòng học dành cho các lớp mầm non, trong đó chỉ có 1.975 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ 55%), 941 phòng học bán kiên cố, 647 phòng học tạm.
Đáng chú ý, trong 258 trường mầm non công lập trên địa bàn thì có đến 26,8% số trường chưa có bếp ăn; 20% số trường chưa có công trình vệ sinh đạt yêu cầu; 38,8% nhóm, lớp mầm non chưa có đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo quy định,…
Để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, trong điều kiện ngân sách đầu tư cho loại hình trường công lập hạn chế, UBND tỉnh Sơn La đã chủ trương và ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển loại hình mầm non tư thục.
Tuy nhiên, việc xã hội hóa để phát triển các trường mầm non tư thục gặp rất nhiều khó khăn. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 11 trường mầm non tư thục. Cùng với 258 trường mầm non công lập thì toàn tỉnh Sơn La cũng chỉ có 269 cơ sở giáo dục bậc mầm non.
Việc phổ cập giáo dục mầm non là nhiệm vụ trước tiên, then chốt của ngành Giáo dục. Bởi đây là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam. Chính vì vậy, trước thực trạng hiện nay của giáo dục mầm non trên địa bàn, các cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan của tỉnh Sơn La cần quan tâm sát sao hơn nữa, có những cơ chế, chính sách thiết thực để đầu tư, hỗ trợ phát triển bậc học này.
Đặc biệt, chủ trương xã hội hóa nguồn lực để phát triển các trường mầm non tư thục là rất đúng đắn và cần thiết. Bởi vậy, tỉnh Sơn La cần xây dựng các chính sách ưu tiên hỗ trợ kịp thời. Có như vậy, mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non của tỉnh mới không quá xa vời.
Theo Báo cáo số 562/BC-SGDĐT ngày 23/10/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, toàn tỉnh còn đến 81,7% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 3,4% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo và 0,3% trẻ 5 tuổi chưa được đến trường. Đặc biệt tỷ lệ huy động trẻ ở độ tuổi từ 3 tháng đến 24 tháng đến trường mầm non công lập mới đạt 11,9%; đến nhóm trẻ tư thục mới đạt được 5,1%...
SỸ HÀO