Thương mại điện tử len lỏi tới vùng sâu, vùng xa
Đến huyện vùng cao Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên), mọi người ấn tượng nhất là phiên chợ đêm bán hoa lan và thảo dược vào tối thứ 7 hàng tuần. Với nhiều người từ nơi khác ghé qua thì ngạc nhiên nhất là hình thức bán hàng online khá chuyên nghiệp của một số của hàng bán hoa lan.
Chị Thanh Huyền bán hoa lan tại phiên chợ Tủa Chùa dùng tới 3 điện thoại di động livestream, chốt đơn liên tục với khách mua hàng. Âm thanh “cả nhà ơi, giỏ này giá…” rộn ràng khắp cả chợ khiến nhiều người cứ ngỡ chỉ có ở các thành phố lớn nay len lỏi đến một thị trấn vùng cao.
Chị Huyền cho biết: Chợ hoa lan và thảo dược hình thành cách đây 5 năm do đồng bào dân tộc trong vùng mang đến bán cho những người đến mua trực tiếp. Tuy nhiên, từ năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, lượng khách ít hẳn đi, trong cái khó ló cái khôn, nhiều người bán hàng livestream và hiệu quả hơn so với trước rất nhiều. Rồi người nọ học người kia, bán hàng online và chợ trở nên tấp nập với hình thức buôn bán qua mạng.
Chị Huyền sau khi chốt đơn sẽ có 2 người nhà ghi lại sổ, đánh số, số điện thoại. Sau đó, chị Huyền sẽ gọi điện lại check thông tin khách hàng và đợi chuyển khoản. Khi tiền đã về tài khoản, người nhà chị Huyền sẽ đóng hàng và chuyển phát qua đường bưu điện. “Cứ mỗi đêm tôi bán hơn trăm giỏ lan, thu nhập so với bán trực tiếp gấp 5-6 lần”, chị Huyền chia sẻ.
Còn chị Hoàng Thị Mai, nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy (Hà Nội) thường xuyên mua hàng đồ ăn trên trên mạng và thanh toán qua ví điện tử Airpay. “Tôi mua hàng qua mạng vì trời nắng nóng và dịch đang bùng phát. Thanh toán qua ví điện tử có nhiều ưu đãi, tính ra với các chương trình khuyến mại và cộng điểm thưởng, nhiều khi còn rẻ hơn là đi mua trực tiếp”, chị Mai chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Minh, chuyên gia về chuyển đổi số cho rằng, hình thức bán hàng online như chợ hoa lan và thảo dược tại Tủa Chùa (Điện Biên) dù là tự phát và sử dụng chính nền tảng xã hội facebook nhưng cho thấy người bán hàng đã rất nhạy bén khi ứng dụng công nghệ thông tin để tìm kiếm khách. Dù còn ở mức khá “thô sơ” của thương mại điện tử nhưng hình thức bán hàng này mang lại hiệu quả không nhỏ. Trong khi đó, tại các thành phố lớn, ngoài việc bán hàng online khá phổ biến dựa trên mạng xã hội thì mua hàng qua các sàn thương mại điện tử lớn như Sendo, Tiki, Lazada… đang là xu hướng của nhiều bạn trẻ.
Gia tăng giao dịch qua mạng và thanh toán số
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), dịch COVID-19 đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người tiêu dùng tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Hành vi người dùng thay đổi cũng đã tác động đến hoạt động các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Vecom cho biết: Do tác động của dịch, năm 2020, doanh nghiệp trở nên năng động hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp nhanh chóng thay đổi bộ máy tổ chức và hoạt động kinh doanh của mình. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng. Xu hướng các doanh nghiệp bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội ngày càng tăng. Với tốc độ tăng trưởng 15% trong năm 2020, doanh thu thương mại điện tử Việt đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD.
Đến đầu năm 2021, các doanh nghiệp thích nghi và quan tâm hơn tới kinh doanh trực tuyến. Mặt khác, cộng đồng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng nhanh. Các yếu tố này dẫn tới nhiều lĩnh vực kinh doanh trực tuyến duy trì được sự ổn định và tăng trưởng tốt ở các lĩnh vực như bán lẻ hàng hoá trực tuyến, gọi xe và đồ ăn, giải trí trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đào tạo trực tuyến...
Ở lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến, theo khảo sát của Vecom, sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 tăng 47%. Những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30% tới 60%.
Đáng chú ý nhất là lĩnh vực thanh toán trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh. Vecom dẫn số liệu từ Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho thấy, các ngân hàng đã phát hành mới tới 10,3 triệu thẻ các loại trong 6 tháng đầu năm 2020, nâng tổng số thẻ ở Việt Nam lên 103,4 triệu. Doanh số thanh toán chi tiêu thẻ nội địa theo kênh thương mại điện tử tăng tới 81%.
Còn theo số liệu từ mạng lưới VisaNet, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam trên thẻ tín dụng và ghi nợ thẻ này trong quý I/2021 tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Sắp tới, kênh thanh toán Mobile Money sẽ hoạt động chính thức hướng đến thị trường vùng nông thôn, miền núi, nơi mà những khách hàng cá nhân chưa có điều kiện tiếp xúc với hệ thống tài chính ngân hàng. Dự báo, đây sẽ một kênh thanh toán không dùng tiền mặt và qua đó sẽ thúc đẩy hơn giao dịch thương mại điện tử ở vùng sâu, vùng xa. Từ đó, việc giao dịch trên các sàn thương mại điện tử sẽ chuyên nghiệp hơn, giúp tiêu thụ nông sản cho nông dân./.