Từ năm 2012 đến hết năm 2022, Việt Nam đã tổ chức 11 đợt công nhận với 265 Bảo vật quốc gia. Do các Bảo vật quốc gia thuộc quyền quản lý của nhiều địa phương, tổ chức khác nhau nên mỗi nơi sẽ có cách thức quảng bá, khai thác, cũng như tôn vinh các giá trị của các hiện vật, nhóm hiện vật khác nhau.
Điều này vô hình chung đã làm mất đi tính hệ thống các Bảo vật quốc gia, khiến giá trị của Bảo vật quốc gia bị giảm đi khá nhiều. Theo các chuyên gia, cần phải có một chiến lược tổng thể đối với việc quảng bá các Bảo vật quốc gia. Và chiến lược tổng thể này phải ở góc độ bao trùm cả nước, chứ không phải chỉ đơn lẻ ở mỗi địa phương.
Trừ một vài bảo tàng lớn ở khu vực Trung ương, hiện tại ở các địa phương: Một là bảo vật được giữ nguyên hiện trạng như trước khi được công nhận. Cách ứng xử này, tuy giữ nguyên đời sống vốn có của bảo vật, nhưng lại khiến bảo vật đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là việc tác động của thiên nhiên. Hai là cất bảo vật vào kho, tuy an toàn cho bảo vật, nhưng lại tước đi giá trị của bảo vật không còn được phát huy trọn vẹn. Câu hỏi làm thế nào để Bảo vật quốc gia có sức sống mới, xứng tầm vóc rất cần được trả lời.
Tại Bảo tàng Quảng Ninh, chiếc thống gốm hoa nâu An Sinh được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2021. Dù được đặt ở vị trí khá trung tâm, thế nhưng, nhiều du khách cũng không để ý nếu như không có lời giới thiệu của hướng dẫn viên.
Trên thực tế, Bảo tàng Quảng Ninh cũng đã thiết kế một khu trưng bày khá bắt mắt, dành riêng cho các Bảo vật quốc gia hiện đang lưu giữ tại bảo tàng. Tuy nhiên, do chưa đủ kinh phí, khu vực này vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn thiện, chưa thực sự tạo ra sự khác biệt nổi trội so với các khu vực trưng bày khác.
Bảo vật quốc gia có thể tạo ra sản phẩm lưu niệm của bảo tàng, có được sự hợp tác với truyền thông để tạo giá trị gia tăng về văn hóa, kinh tế, làm cho những sản phẩm thủ công có thể bán ngoài thị trường. Chúng ta nên quan niệm dịch vụ văn hóa, bảo tàng di tích cũng là tài nguyên của du lịch, là hàng hóa đặc biệt vì có giá trị kép giữa văn hóa và kinh tế.
Đặng Văn BàiPhó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia
Có thể nói, bảo vật được xem như diện mạo văn hoá của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, việc lựa chọn, công nhận hiện vật nào trở thành bảo vật là cả quá trình cân nhắc kỹ lưỡng của các cơ quan có trách nhiệm. Tuy nhiên, cùng với đó còn là câu chuyện bảo tồn, khai thác giá trị của các bảo vật sao cho xứng tầm danh hiệu.
Đợt gần đây nhất, ngày 30/1/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định công nhận 27 Bảo vật quốc gia. Trong đó có 20 Bảo vật thuộc sở hữu Nhà nước và 7 bảo vật thuộc sở hữu tư nhân. Trong tổng số bảo vật thuộc sở hữu Nhà nước thì có tới 4 bảo vật đang được lưu giữ tại khi di tích Hoàng Thành Thăng Long. Các bảo vật gồm: Bộ thành bậc Điện Kính Thiên, niên đại (Thế kỷ XVII); Đầu rồng thời Trần, niên đại (Thế kỷ XIII); Sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ, niên đại (Thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI); Súng Thần công thời Lê Trung hưng, niên đại (Thế kỷ XVII).
Bảo vật quốc gia được trưng bày và quảng bá đã làm tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản. Trong những ngày này đã có rất nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng và tìm hiểu những bảo vật nơi đây. Qua đó góp phần để những Bảo vật quốc gia không ngủ yên trong kho lưu giữ mà có sức sống trong dòng chảy đương đại
Anh Đàm Anh Thuận -Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: Trung tâm đang đẩy mạnh quảng bá sâu rộng về các hiện vật được lưu giữ tại đây. Nhất là các Bảo vật quốc gia. Các phòng chuyên môn, đã có những cách bảo quản các hiện vật đảm bảo vệ độ ẩm, ánh sáng để giảm thiểu tối thiểu tác động môi trường ảnh hưởng đến bảo vật.
Một tín hiệu đáng mừng, trong đợt công nhận Bảo vật quốc gia năm nay có tới 7 bảo vật thuộc sở hữu tư nhân. Điều này cho thấy, sự nhìn nhận khách quan của cơ quan quản lý Nhà nước với những hiện vật có giá trị, bất kể hiện vật đó thuộc sở hữu Nhà nước hay tư nhân. Việc tăng nhiều những bảo vật thuộc sở hữu tư nhân cũng mang tới cơ hội cho công chúng có điều kiện tiếp cận, chiêm ngưỡng những sáng tạo vô giá mà cha ông đã để lại.
Trong tổng số 7 bảo vật tư nhân được công nhận, có 4 hiện vật gốm sứ An Biên của nhà sưu Trần Đình Thăng, thành phố Hải Phòng. Những bảo vật này gồm: Hai đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê, niên đại (Thế kỷ XVI – XVII); Lư hương gốm hoa lam, niên đại: Thời Lê sơ (Thế kỷ XV); Hai chiếc đĩa gốm men ngọc, niên đại (Thời Lý, thế kỷ XI – XII); Đĩa gốm men lam tím, niên đại (Thời Lê sơ, thế kỷ XV).
Nhà sưu tầm Trần Đình Thăng cũng là cá nhân đang lưu giữ nhiều cổ vật quốc gia nhất, với tổng 15 hiện vật gốm sứ An Thiên. Ngoài phòng trưng bày tại Hải Phòng, ông Thăng đã kết nối với Bảo tàng lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hải Phòng để trưng bày bộ sưu tập Gốm Việt thực sự có giá trị lịch sử này.
Tôi đã đi khắp Việt Nam, thậm chí là đi ra nước ngoài để mua bằng được những sản phẩm gốm nằm trong bộ sưu tập Gốm Việt Nam. Tôi cũng mong muốn góp phần để giữ gìn những giá trị cổ quý nhất mà ông cha để lại.
Trần Đình ThăngNhà sưu tầm cổ vật
Theo các nhà nghiên cứu, trong tổng số 11 đợt công nhận thì đến đợt thứ 10, Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân mới được nhắc tới. Ngoài bộ sưu tập gốm men trắng An Biên, thuộc bộ sưu tập tư nhân An Biên, bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước, hiện lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia. Đó là hành trình lao động sáng tạo công phu của người họa sĩ đã làm ra 112 bản nghiên cứu, phác thảo và bản vẽ chì chi tiết về Quốc huy Việt Nam…
Điều này đã tiếp tục ghi nhận, đồng thời khuyến khích các đơn vị tư nhân tích cực bảo tồn và phát huy những giá trị của cha ông để lại. Bảo vệ Bảo vật quốc gia cũng chính là bảo bệ văn hóa quốc gia và để lưu truyền lại cho thế hệ sau.
Theo Tiến sỹ Phạm Quốc Quân, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, hướng phát triển ưu việt của Bảo vật quốc gia, là hướng bảo tồn văn hóa từ người dân. Luật di sản Văn hóa đã phản ánh, điều này tạo động lực cho những nhà sưu tầm hiện vật cổ. Một quốc gia dù giàu có đến đâu cũng không đủ sức bảo vệ và sưu tầm di sản cổ vật, mà rất cần chung sức của các nhà sưu tầm tư nhân.
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học nhìn nhận: Mỗi một công dân đều có trách nhiệm tham gia bảo tồn di sản nên các nhà sưu tầm tư nhân ngày càng nhiều. Rất mừng, khi nhiều cổ vật được công nhận là của các nhà sưu tập tư nhân, thể hiện cái nhìn rất cởi mở.
Và theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Thế Hồng - Chủ nhân bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng ở Từ Sơn, Bắc Ninh đã chi 6,1 triệu Euro, tương đương hơn 153 tỷ đồng mua ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" từ nhà đấu giá Pháp.
Di sản không thể tạo ra được, Bảo vật quốc gia cũng như vậy. Không có bài học lịch sử nào sống động bằng chính các hiện vật của cha ông vượt qua được sự tàn phá của thời gian và còn tồn tại đến thế hệ hôm nay. Giá trị văn hóa, lịch sử của các bảo vật quốc gia phải được lan tỏa một cách trọn vẹn.
Cùng với khuyến khích tư nhân đầu tư bào tồn và giữ gìn các hiện vật cổ quý, thì cũng rất cần việc tăng cường quảng bá các bảo vật để các bảo vật được đông đảo công chúng biết đến hơn. Vì vậy, việc phối hợp giữa bảo tàng, di tích với truyền thông và công nghệ cũng là lời giải hữu hiệu trong việc quảng bá, giới thiệu bảo vật quốc gia đến với du khách trong và ngoài nước.
Trong mỗi đợt Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia, Chính phủ đều yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp nơi có Bảo vật quốc gia, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý Bảo vật quốc gia được công nhận ở trên, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với Bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Và để làm tốt điều này, rất cần sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan, làm sao để những Bảo vật quốc gia thực sự phát huy được giá trị, xứng tầm với danh hiệu được công nhận và luôn là niềm tự hào của đất nước.
Theo điều 43 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi 2009), Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội phải được quản lý trong các bảo tàng và không được mua bán, tặng cho. Bảo vật quốc gia thuộc các hình thức sở hữu khác chỉ được mua bán, trao đổi, tặng và thừa kế ở trong nước. Để Luật đi vào cuộc sống có hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng và triển khai phương án bảo vệ cũng như phát huy di tích của các Bảo vật quốc gia.