Ngay lập tức, sự việc thời sự trên trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội. Bởi, đó không chỉ đơn thuần là câu chuyện về phương pháp giáo dục của người làm thầy mà còn là câu chuyện về cách ứng xử của những bậc phụ huynh với giáo viên trước sai phạm của con cái trong xã hội ngày nay.
Còn nhớ, ở thời kỳ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, đó là những năm tháng đầu tiên mà đám học trò thế hệ 8x “đời đầu” chúng tôi cắp sách đến trường, tình cảm thầy trò và sự tôn nghiêm vẫn là điều được đặt lên hàng đầu.
Và chắc chắn, trong đám học trò của thế hệ 8x ấy, không ngày nào là không có đứa bị thước kẻ gõ vào đầu sưng u một cục, hoặc phải đặt tay lên bàn để thầy cô dùng thước gỗ phạt, nặng hơn là phải đứng úp mặt vào tường nguyên cả buổi học vì tội trêu chọc bạn bè, trốn học... Nhưng đó là sự cần thiết để những người làm thầy dạy dỗ học trò vào khuôn khổ, thành người.
Tuy nhiên, trở lại câu chuyện giáo dục thời hiện tại, chắc hẳn nếu vị phụ huynh nào đó vô tình phát hiện con cái mình bị cô giáo phạt đòn bằng thước gỗ hay phạt quỳ gối vì vi phạm nội quy như chuyện xảy ra ở Trường Tiểu học Bình Chánh nói trên thì đó hẳn là vấn đề vô cùng nghiêm trọng.
Vì thế, dù mục đích là để dạy dỗ học sinh nhưng hình phạt có phần “hơi quá” của cô giáo đã trở thành sự phản cảm đối với phương pháp giáo dục hiện đại khi phương pháp này luôn yêu cầu đặt học sinh là trung tâm.
Song điều đáng buồn hơn, đó chính là cách hành xử của phụ huynh trước sự việc trên. Để bảo vệ con, họ đã đến tận trường bắt cô giáo phải quỳ xuống xin lỗi vì hành động đã làm trước đó với con mình.
Nhiều người biết sự việc đã ví, lối hành xử đó chẳng khác nào phường chợ búa, ăn miếng trả miếng. Đó không phải là hành vi bảo vệ con cái một cách phù hợp mà là hành vi phản giáo dục. Bởi, hành động trên cũng là hình thức làm nhục người khác.
Tai hại hơn, nó sẽ gieo vào đầu những đứa trẻ sự coi thường đối với thầy cô giáo. Thậm chí, chúng sẽ cho mình cái quyền học như thế nào là quyền của chúng vì mọi việc đã có bố mẹ đứng sau lưng…
MẠNH HÀ