Trước đây, gia đình chị H’Tuyết Êban (sinh năm 1980) là một trong những hộ khó khăn nhất ở buôn Tơng Jú. Nhà chỉ có 3 sào cà phê cằn cỗi nhưng có tới 5 miệng ăn. Túng thiếu, chị phải đi làm thuê đủ nghề để kiếm tiền lo cho gia đình.
Năm 2011, biết Hội LHPN xã Ea Kao mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm miễn phí, chị H’ Tuyết liền đăng ký tham gia. Học xong 3 tháng, chị đã tự tay dệt các sản phẩm thổ cẩm truyền thống như khăn, mền, váy, áo… với nhiều họa tiết hoa văn đẹp, bắt mắt. Có nghề dệt, chị H’Tuyết giao hẳn việc nương rẫy cho gia đình để chuyên tâm vào khung cửi. Chị vừa dệt sản phẩm theo nhu cầu của người dân trong vùng, vừa nhận thêm đơn hàng từ Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông để tăng thêm thu nhập.
Ngoài nghề dệt, năm 2016 chị H’Tuyết còn học thêm nghề may nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ban ngày, chị làm thợ may chính cho HTX thổ cẩm Tơng Bông. Tối đến chị vẫn dệt để giữ nghề.
Chị H’Tuyết tâm sự: Mẹ mình trước cũng là nghệ nhân dệt thổ cẩm nhưng vì cuộc sống khó khăn, sản phẩm dệt ra không tiêu thụ nên khung cửi bỏ không. Từ khi học nghề dệt, may, mình có được công việc phù hợp với sức khỏe, sở thích bản thân và quan trọng là giữ nghề truyền thống dân tộc. Với mức thu nhập trung bình hơn 3 triệu đồng/tháng, gia đình mình có cuộc sống no đủ hơn trước.
Cũng như H’Tuyết, chị H’ Méc Niê (sinh 1983, ở buôn Hwiê) đang theo học nghề may với mong muốn tìm được công việc ổn định. Chị H’Méc tâm sự: Nhà nghèo nên học đến lớp 7 chị đã bỏ ngang con chữ về nhà làm rẫy. Cuộc sống càng khó khăn, chật vật hơn khi chị cưới chồng, sinh con.
Quyết không để cái nghèo đeo bám, chị H’Méc mạnh dạn đăng ký học nghề may do Hội LHPN xã Ea Kao tổ chức. Qua hai tháng học, chị đã biết cách đo, cắt quần áo, làm chủ đường kim mũi chỉ. Chị H’Méc cho hay, sau khi hoàn thành khóa học, chị sẽ đầu tư mua một chiếc máy khâu mang ra chợ nhận sửa quần áo hoặc xin làm việc tại các công ty, xưởng chuyên về may mặc. Dù làm gì, chị cũng phải nắm vững các bước cắt may cơ bản nên dẫu bận việc nương rẫy, con cái, chị H’Méc cũng tham gia lớp học đầy đủ. Chị hy vọng, nghề may sẽ giúp gia đình thoát cảnh nghèo đói, có ái ăn cái mặc như bao người trong buôn.
Bà Trịnh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Kao cho biết: Toàn xã hiện có trên 2.700 hội viên, trong đó gần 1.200 hội viên là người DTTS. Các hội viên phần lớn làm nghề nông nhưng đất canh tác ít, thu nhập bấp bênh. Do vậy, dạy và học nghề là nhu cầu thiết yếu nhằm mở “nút thắt” giúp hội viên thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để công tác dạy nghề đạt hiệu quả cao, Hội đã triển khai khảo sát nhu cầu học nghề của từng hội viên để mở những ngành nghề phù hợp như: Nghề dệt thổ cẩm, may công nghiệp, chăn nuôi thú y, xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng nấm… Từ năm 2011 đến nay, Hội LHPN xã Ea Kao đã tổ chức được 18 lớp đào tạo nghề cho khoảng 630 học viên. Ngoài dạy nghề Hội còn chú trọng tìm các nguồn vốn giúp chị em phụ nữ có số tiền để theo đuổi nghề đã học.
ĐĂNG QUANG