Cùng với đó, phát triển sản xuất các loại thực phẩm biển an toàn, hướng đến xuất khẩu.
Hiện đại hóa phương tiện đánh bắtTheo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận thì, toàn tỉnh có khoảng 70 xóm chài vươn khơi. Lực lượng ngư dân này đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển, thúc đẩy kinh tế-xã hội chung của địa phương. Chính vì vậy, từ năm 2018, Bình Thuận đẩy mạnh phát triển ngư nghiệp theo hướng hiện đại, tăng năng suất. Ngư dân được hướng dẫn cụ thể để không vươn khơi nhỏ lẻ, tự phát. Đánh bắt gắn với dự báo để tránh mọi rủi ro cho người dân. Chủ trương của Bình Thuận là, không cho đóng mới những loại tàu cá có công suất nhỏ dưới 30CV như trước đây. Bởi những tàu công suất nhỏ hiệu quả đánh bắt không cao, khả năng chống trọi với các biến cố lại kém, dễ gây nguy hiểm cho các đoàn, nhóm ngư dân khi vươn khơi.
Bên cạnh đó, từ năm 2018 này, Bình Thuận cũng kéo giảm dần các phương tiện nhỏ gây nguy hại nguồn lợi thủy sản như: Tàu lưới kéo, tàu dã cào… Tập trung cải tạo, nâng cấp các tàu cũ để đánh bắt gần bờ còn các tàu mới phục vụ cho đánh bắt xa bờ. Người dân khi bắt đầu vươn khơi đều được kết nối với các cơ quan chức năng để có hướng đánh bắt, khai thác hiệu quả nhất.
Tính đến đầu tháng 3/2018, toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 3.000 tàu có công suất gần 100CV trở lên, tăng hơn 100 chiếc so với năm 2017. Trong đó, số tàu hiện đại có 56 chiếc tàu đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, trên mỗi chiếc tàu công suất lớn đều được trang bị đầy đủ bộ đàm, phương tiện dự báo, hệ thống sóng kết nối với đất liền, cảnh sát biển. Trong các khoang điều khiển đều có máy lọc nước biển, máy dò ngang. Dưới các khoang bảo quản đều có hệ thống làm lạnh hiệu quả để giữ vững chất lượng sản phẩm sau khi đánh bắt.
Thuyền trưởng tàu BT 321-QT ở Liên Hương, huyện Tuy Phong chia sẻ: Được hỗ trợ tiền để nâng cấp tàu và hướng dẫn chi tiết cách tránh rủi ro nên ngư dân rất mừng. Sản lượng đánh bắt về đều được ngành thủy sản địa phương liên kết với các chủ vựa, các doanh nghiệp để thu mua nên an tâm. Trước đây, ngư dân chúng tôi thích thì vươn khơi, có lúc biển động vẫn ra biển, có lúc đánh bắt xong một chuyến chơi dài, khi thấy khó khăn kinh tế lại mới vươn khơi tiếp, nhưng nay thì hoạt động bài bản hơn, có lịch trình rõ ràng hơn. Đã cam kết với ngành thủy sản lịch trình đánh bắt thì phải thực hiện nghiêm túc.
Xây dựng các tổ, đội vững mạnhSự đoàn kết, tương trợ trong những chuyến vươn khơi cũng là yếu tố quan trọng, nên ngay từ cuối năm 2017 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã tiến hành rà soát hàng loạt xóm chài. Qua đó, vận động ngư dân tham gia các tổ, đội để vươn khơi theo lịch trình. Hạn chế và giải thể bớt các nhóm vươn khơi tự phát, nhỏ lẻ, hoạt động theo sở thích không hiệu quả.
Tính đến nay, Bình Thuận đã thành lập được 241 tổ (đội), với khoảng gần 16.000 lao động là các ngư dân tham gia. Các tổ vươn khơi này đều được tập huấn kỹ năng ứng phó sự cố trên biển và cam kết đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt, sản xuất. Các tổ cũng thường xuyên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau sau mỗi chuyến đánh bắt. 5 nghiệp đoàn nghề cá hoạt động ở Bình Thuận cũng cam kết tương trợ 241 tổ ngư dân vươn khơi này.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Thuyền trưởng tàu BT143-HT ở Hàm Thuận Bắc cho biết: Vào các tổ vươn khơi được học hỏi kinh nghiệm nhiều hơn. Người cũ thì giúp đỡ người mới. Cứ thế cùng nhau vươn lên. Nhiều ngư dân còn ngại tham gia các tổ vươn khơi vì sợ mất tự do, nhưng khi tham gia rồi mới thấy được rất nhiều lợi ích, năng suất đánh vượt trội, các sự cố trên biển giảm đáng kể.
Bên cạnh việc lập các tổ ngư dân vươn khơi, Bình Thuận còn nâng cấp các cảng cá, xây dựng và quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy hải sản trên biển, kết nối và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến địa phương thu mua sản phẩm. Mọi cơ sở nuôi trồng, chế biến đều phải cam kết không sử dụng hóa chất, các loại chất cấm để bảo quản thực phẩm.
VĂN ĐÔNG - MỸ NGA