Theo báo cáo của Bộ Công Thương trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương, nhất là tại trung tâm công nghiệp của cả nước và một số ngành, lĩnh vực như dệt may, lắp rắp linh kiện điện tử, chế biến gỗ... Trong khi đó, chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao cho khu vực kinh tế trong nước.
Đặc biệt, đồng USD tăng giá gây tác động bất lợi đến nhập khẩu, do hiện nay nước ta nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu. Tỷ lệ mất giá của đồng VND so với đồng USD trong xu hướng mất giá chung làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...
Mặt khác các đơn đặt hàng từ phía nhà nhập khẩu có xu hướng giảm do tác động tiêu cực của lạm phát cao ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho cao tại các hệ thống bán lẻ sẽ làm giảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Chẳng hạn, đối với ngành dệt may, số lượng đơn đặt hàng trong quý 4/2022 thấp hơn 25-50% so với quý 2/2022, tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố địa chính trị khác trên thế giới, do đó giá xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp; giá dầu tăng cao trong khi đây là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; tình trạng thiếu hụt gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến kích cầu tiêu dùng đối với thương mại;
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, để bảo đảm nguồn cung cầu, thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường hàng hóa nhằm chủ động các giải pháp kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế, Bộ Công thương đã đưa ra những giải pháp khơi thông, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước những tháng cuối năm. Cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu để có giải pháp điều hành phù hợp. Chú trọng truyền thông về tình hình cung cầu, giá cả để ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp. Theo dõi chặt chẽ giá cả hàng hóa trên địa bàn để có các biện pháp bình ổn giá cả, cung cầu, tập trung cho các chương trình kích cầu tiêu dùng, đặc biệt trong những dịp lễ Noel, Tết Nguyên đán sắp tới…
Đối với mặt hàng xăng dầu, trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Đồng thời kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.
Triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống Thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ thông tin thị trường tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp…