“Cả nước vì Vùng - Vùng vì cả nước”
Tám mươi năm tuổi đời, gần năm mươi bảy năm tuổi Đảng, trên các cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là trải qua hơn 13 năm là người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại tư tưởng chỉ đạo và những định hướng hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong đó có vùng DTTS, miền núi.
6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành trong năm 2022, gồm: Trung du và miền núi Bắc Bộ (Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022); Đồng bằng sông Cửu Long (Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022); Vùng Tây Nguyên (Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022); Vùng Đông Nam Bộ (Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022); Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày /11/2022); Vùng đồng bằng sông Hồng (Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022).
Đặc biệt, trong năm 2022, trước những đòi hỏi phát triển đất nước trong tình hình mới, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký 06 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành 6 Nghị quyết về phát triển Vùng. Điểm chung của 6 Nghị quyết về phát triển các vùng lần này đã nêu yêu cầu phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Đồng thời, Bộ Chính trị cũng xác định, mỗi vùng đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước cũng cần phải có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng.
Để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì các hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết phát triển 6 Vùng. Tại các hội nghị, bên cạnh quán triệt những nội dung cơ bản của các Nghị quyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở những việc phải làm và làm như thế nào để thực hiện có kết quả các Nghị quyết.
“Vấn đề rất quan trọng có ý nghĩa quyết định vẫn là làm thế nào để tổ chức triển khai thực hiện thật tốt, có kết quả cụ thể, rõ rệt và thiết thực Nghị quyết của Bộ Chính trị gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề như vậy tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ chính trị, về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên, tổ chức ngày 14/10/2022.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW, thì một trong những việc cần làm, là phải nhận thức và giải quyết thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước - Cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước.
“Cả nước vì Tây Nguyên; Tây Nguyên vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”, Tổng Bí thư kêu gọi.
Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm lưu ý thực hiện tốt lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Tổng Bí thư yêu cầu, cần tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS; phấn đấu để các thôn, bản ở vùng DTTS và miền núi đều có đảng viên và chi bộ Đảng...
Tinh thần phải nhận thức và giải quyết thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước - Cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước, cũng như những yêu cầu về thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc đều được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và thực hiện các Nghị quyết phát triển 6 Vùng của Bộ Chính trị.
Để thực hiện được mục tiêu: “Cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị việc phải làm là “Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước; tinh thần chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các địa phương trong vùng; quyết tâm vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng bằng lòng, trung bình chủ nghĩa, không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác”.
“Trên dưới đồng lòng - Dọc ngang thông suốt”
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, thì một trong những bài học xuyên suốt được Đảng ta đúc kết là phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan điểm này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kế thừa, phát huy nâng lên và ngày càng hoàn thiện. Trong những bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư đã khẳng định: Đại đoàn kết là nhân tố quyết định thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng nước ta.
Quan điểm về Đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã được thể hiện sắc nét trong cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”; được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt ngày 18/11/2023, tại Hà Nội.
Cuốn sách đã tổng kết thực tiễn, bổ sung, nâng tầm lý luận về sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc, được nghiên cứu, phân tích sâu sắc, tập hợp tư liệu, hình ảnh, bài viết, bài phát biểu tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp Nhân dân. Đó là những tư tưởng vượt trội, tầm nhìn sâu rộng, biện chứng, thực tiễn về Đại đoàn kết toàn dân tộc với văn phong mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, sâu lắng, đi vào lòng người.
Bài học xuyên suốt về Đại đoàn kết toàn dân tộc “trên dưới đồng lòng - dọc ngang thông suốt” cũng được Tổng Bí thư nhắc đến nhiều lần trong các sự kiện chính trị quan trọng, hay các hội nghị toàn quốc quán triệt triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị gần đây.
Tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt đánh giá về tình hình và kết quả công việc tháng 4, tháng 5 năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, diễn ra 12/6/2024, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục yêu cầu thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, công tác dân tộc, tôn giáo nhằm hạn chế những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, việc thực hiện tốt chính sách dân tộc, nhất là các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm. Trong bài viết: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư tiếp tục nhấn mạnh lại tinh thần của Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII là “ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”.
Đây cũng là yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các Hội nghị toàn quốc quán triệt và thực hiện các Nghị quyết phát triển 06 Vùng của Bộ Chính trị. Đối với Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc ban hành và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi phía Bắc thể hiện trách nhiệm của toàn Đảng và cả nước đối với đồng bào các dân tộc vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ - là vùng cơ sở cách mạng, vùng kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đúng với truyền thống đoàn kết, thủy chung, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam ta.
Đối với Vùng Tây Nguyên, Tổng Bí thư nêu rõ, đây là một vùng đất huyền thoại, là nơi cùng sinh sống của gần 6 triệu người thuộc tất cả 54/54 dân tộc anh em cả nước, trong đó có 53 DTTS, với gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37,5% dân số toàn vùng;... Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng rất kiên cường; có nền văn hoá dân tộc vừa đa dạng, phong phú, vừa có nhiều nét đặc sắc riêng.
Do đó, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần “xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng; tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế. Ưu tiên giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hoá, giá trị truyền thống, bản sắc văn hoá của các DTTS, nhất là các lễ hội truyền thống, không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất và việc khiếu kiện, tranh chấp đất đai. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định dân cư, nhất là đối với đồng bào DTTS, đồng bào vùng sâu, vùng xa”.
Tư tưởng chỉ đạo và những định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lĩnh vực công tác dân tộc là nền tảng vững chắc để Đảng, Nhà nước ta hoạch định chính sách dân tộc trong tình hình mới. Tám mươi năm trên cõi nhân sinh, gần năm mươi bảy năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; đối với lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, Tổng Bí thư đã để lại những dấu ấn sâu sắc, với những cống hiến to lớn ghi dậm trong lòng đồng bào các DTTS.